Chuyện đời sinh động

08:22, 12/10/2011

Hồ Anh Thái (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, hiện là Phó đại sứ Việt Nam tại Iran) - tác giả của hơn ba chục đầu sách gồm cả tiểu thuyết và truyện ngắn, đã thực sự tạo nên một gương mặt ấn tượng trên văn đàn Việt Nam.

Nhiều tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Đan Mạch... Đầu tháng 10 này, tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái "SBC là săn bắt chuột" (NXB Trẻ) đã ra mắt những người yêu văn học.

 

Ngay từ khi chưa phát hành, Tuổi trẻ cuối tuần đã nhanh tay trích đăng một chương hội đủ cả yếu tố hiện thực lẫn sự huyền ảo của tiểu thuyết này. Không thể phủ nhận được hiệu quả quảng bá cho tác phẩm khi đoạn trích gây tò mò với nút thắt cao trào trong mâu thuẫn giữa người và chuột.

 

"SBC là săn bắt chuột" không phải dòng văn học "fantasy" (kỳ ảo) như một số cây bút trẻ đang theo đuổi. Đó là một tiểu thuyết miêu tả hiện thực với ngồn ngộn chuyện đời, ở các lĩnh vực. Từ chuyện buôn đất, làm sân golf, phá biệt thự cổ, ma túy đến chuyện xã hội đại gia và chân dài, nữ doanh nhân ham việc quên lấy chồng… và rất nhiều chuyện bi hài của các giới nghề nghiệp. Phải nói là những chuyện ấy không hoàn toàn mới, nhưng nó được tái hiện với những màu sắc mới. Có cảm giác như Hồ Anh Thái đã hết sức nhạy bén để thu vào những sự kiện thời sự. Và đúng như nhận định của NXB Trẻ: "Ngôn ngữ văn chương dân gian đầy ắp lời hát nhại, khẩu ngữ, nói lái, những câu vần điệu thời sự của một thời…". Cách đặt tên các chương cũng không giống với mô-típ truyền thống, mà lại như một câu nhắn nhủ, mời gọi "Ai sợ chuột đừng đọc chương này", "Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này", "Ai rào giậu đừng đọc chương này"… Như tên gọi "SBC là săn bắt chuột", toàn bộ các tuyến nhân vật đều xa, gần liên quan đến cuộc đấu giữa người với băng đảng Chuột Trùm (nặng đến 15 cân). Ở đó có những huyền ảo: chuột thành tinh, đi lại nói năng như người và những người liên quan đến vụ xâm lấn lãnh thổ chuột bị mất trọng lượng, cứ chực tuột ra bay lên không như quả bóng…

 

Phía sau những bi hài, hiện thực, huyền ảo ấy, hai nhân vật chính là Chàng (một nhà báo) và Nàng (một nữ doanh nhân) cũng dẫn dắt người đọc đến hồi kết với những chiều hướng thuận tình và có hậu. Một thứ triết lý phương Đông rất đậm đà trong nhiều trang viết của Hồ Anh Thái. Cũng như vậy, bên cạnh những dềnh dàng, ngóc ngách chuyện đời như thể kể mãi cũng không hết, có những trang viết như là một file nén gửi gắm tâm tư người viết. Trong đó có tâm tư về nghề văn. Ấy là lời tự sự của chàng nhà báo: "Chàng đã biết tìm những đề tài dung dị. Nhỏ mà không nhỏ. Người mẹ thai nghén chín tháng. Người viết thai nghén mười lần chín tháng… Chưa viết ra như mang bệnh trong người". Rồi "Nhưng người viết văn không phải vì thế mà bạ gì cũng viết. Biết sử dụng chữ cũng phải thận trọng như biết dùng súng dùng dao… Nhà văn là người biết được mình nên viết gì. Nói vậy đúng quá. Nhà văn là người biết được mình không nên viết gì.

 

Nói vậy đúng hơn nhiều… Chớ viết nhờn tay quen tay. Chớ viết vì ngứa chân tay ngứa da đầu. Viết phải từ thôi thúc tự thân".

 

Thiết nghĩ, mỗi tác phẩm có một đối tượng, lượng bạn đọc khác nhau. Sâu sắc để ở lại trong lòng công chúng bao lâu còn phụ thuộc vào độ hay của tác phẩm và sự cảm thụ của người đọc. "SBC là săn bắt chuột" cũng vậy. Chỉ biết một điều, với suy nghĩ nghiêm túc về nghề mà ông chia sẻ ở trên, với những sự mới mẻ trong miêu tả hiện thực, Hồ Anh Thái đã thể hiện sự dấn thân của nhà văn, cũng như những nỗ lực làm sống động văn đàn.