Lần đầu tiên hình ảnh các chiến sỹ thuộc đoàn Tàu không số anh hùng năm xưa được thể hiện trong 40 tập phim truyền hình “Đường Hồ Chí Minh trên biển," phát sóng lúc 18 giờ hàng ngày từ 23/10/2011 trên kênh HTV9.
Đây là bộ phim kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011), mỗi tập phim sẽ có thời lượng 45 phút, do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) và Công ty Phim Giải Phóng hợp tác sản xuất.
Bộ phim được tác giả Đình Kính chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết “Sóng chìm” và “Người của biển,” từng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008.
Biên tập Phạm Thùy Nhân, cây bút dày dạn trong nghề cho biết: “Nói đến phim truyện là nói đến sự hư cấu. Để hấp dẫn các bạn trẻ và được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đã gộp lại thành đường dây, câu chuyện kịch tính. Mỗi nhân vật đều có một tính cách, một số phận riêng, đại diện tiêu biểu cho một thế hệ trong thời chiến.”
40 tập phim xoay quanh hai con tàu T.67 và T.37 do hai Thuyền trường Tòng (Thế Tâm), quê ở Vũng Rô, Phú Yên và Lê (Hoàng Phi), người Hải Phòng, chỉ huy.
Với nhiệm vụ đưa nhiều tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường miền Nam, hai con tàu lại cập bến chính ở Làng Cát, Vũng Rô. Tòng rất hy vọng được gặp lại vợ là Tư Nhâm (Đinh Y Nhung). Còn Lê phải tạm xa người yêu là Thúy, nữ kỹ sư thiết kế của Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng.
Bộ phim thể hiện một cách chân thực nhất những hiểm nguy mà các chiến sỹ phải đối mặt trên suốt chặng đường dài, phải đương đầu với kẻ địch được trang bị tối tân hiện đại, hay thiên nhiên bão tố.
Mỗi chuyến Tàu không số là một cuộc chiến đấu sống còn của các chiến sỹ. Cuộc chiến của các anh không chỉ diễn ra trên biển mà cả ở trên bộ. Các anh có khi bị bao vây cả tuần, đói khát, bệnh tật, song vẫn nhất quyết chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ, không chịu để lọt vào tay địch.
Song song với mặt trận trên biển, bộ phim còn tái hiện cuộc sống ở hậu phương miền Bắc và đặc biệt ca ngợi sự dũng cảm, mưu trí, những hy sinh vì đất nước của các chiến sỹ cách mạng và người dân nơi tiếp nhận những chuyến tàu.
Một trong những sự hy sinh được khắc họa điển hình là hình ảnh nhân vật Tư Nhâm - Chỉ huy mạng lưới giao liên ở Làng Cát, vợ của Thuyền trưởng Tòng. Lần thứ hai khi Thuyền trưởng Tòng chở vũ khi về Làng Cát, chưa kịp vợ thì anh đã phải chiến đấu với địch. Cuối cùng để tránh cho vũ khí không rơi vào tay giặc, anh đã phải đánh chìm tàu và anh dũng hy sinh.
Tư Nhâm phải gạt nỗi đau riêng để tiếp tục chiến đấu, nhằm tạo vỏ bọc chắc chắn hơn cô phải nhận lời cầu hôn của thiếu tá ngụy Hai Rạng (Lý Hùng).
Bi kịch của Tư Nhâm bị đẩy đến tột cùng khi chị ở lại quê hương sau chiến thắng năm 1975, nhưng những đồng đội cũ đều đã hy sinh, chị phải chịu tiếng là kẻ phản bội.
Mãi cho đến ngày Thuyền trưởng Lê, nay là đại tá hải quân, trở về Làng Cát thăm hương hồn đồng đội cũ, khi đó những chiến công thầm lặng của Tư Nhâm - nữ quân báo - người vợ thảo hiền của Thuyền trưởng Tòng - mới được chứng thực.
Bi kịch của chiến tranh còn xảy ra với Tỉnh đội trưởng Sáu Sinh, khi ông biết đại úy biệt kích ngụy Ba Hoàng (Lâm Minh Thắng), là con trai mình mà không thể nhìn nhận. Chính tay Ba Hoàng đã bắn chết ông và sau này anh ta gần như hóa điên khi biết được sự thật.