Dưới trăng, bên hiên nhà, ngồi nhâm nhi từng nhấp trà, chát đắng. Thấy từ vời vợi xa xăm cái vị đượm ngọt nhẩn nha về nơi vòm họng, nhẹ nhàng lan tỏa một khoan khoái mơ hồ, làm bừng tỉnh hẳn những gật gà ngủ không thành giấc, thấy vẳng trong đêm thanh tiếng gà gáy le te và lào xào thoảng thơm của chè đang được đôi bàn tay ai đó lên hương.
Đó thường là đôi bàn tay của một người phụ nữ cần mẫn, biết chịu đựng và có đức hy sinh. Vì trong quá trình sao chè, bản thân họ phải ngồi “ôm” lấy cái chảo đun trên bếp lửa trong mấy giờ đồng hồ liên tục. Mồ hôi chảy tướt tát mà lòng dạ còn nghĩ suy chuyện “kinh bang tế thế” của chồng, sự học hành, phấn đấu của con cái và cách gìn giữ cho mái ấm gia đình được bình yên… Lên hương chè, công đoạn chế biến sau nhất đối với người làm chè, đôi bàn tay phải liên tục miết trên chảo gang, tạo thành từng vòng xoáy, đều đặn, như lặp lại thời gian của tháng, năm - Xuân qua thì hạ tới, Thu tàn thì Đông sang. Song có lẽ từ đôi bàn tay vần vũ trên lửa của người dân vùng chè, đương nhiên phải là cách làm chè truyền thống của người Việt, thì từng quầng sóng trên chảo gang chất chứa vào đó bao nỗi niềm cơm áo, cả tình yêu thương, nỗi đắng cay, vị mặn mòi tình yêu đôi lứa và là nguồn cớ cho những câu chuyện về nhân tình thế thái.
Đôi bàn tay không biết nói, nhưng đó là những đôi bàn tay biết cảm nhận, biết lắng nghe và biết thân phận. Thân phận của đôi bàn tay biết lửa nóng nhưng vẫn phải “nhảy vào”. Để từ trong lửa, đôi bàn tay phân tích được nhiệt lượng nào làm nên những búp chè ngon thoảng thơm hương cốm nếp mới. Đó là thành quả lao động được đúc kết qua hàng trăm năm, kể từ thuở con người biết hái chè về đem xao suốt trên lửa, làm chè móc câu, chè nõn rồi ướp thêm các vị hoa. Chắc chắn phải có những cuộc cách mạng khoa học, âm thầm, lặng lẽ, vì những người có công làm ra thứ chè ngon sinh sống trong dân gian, nên các “công trình”, những thử nghiệm trong quá trình xao sấy chè không ồn ào thành những đề án cấp này, cấp kia. Nhưng từ dân gian, những đúc kết, những trải nghiệm vẫn được truyền tụng, được kế thừa trong làng chè, như bao làng nghề khác trong non sông đất Việt.
Ở làng chè, chưa bao giờ có ai được công nhận là nghệ nhân sao chè, nhưng họ vẫn dùng đôi bàn tay bằng da, bằng thịt trực tiếp nhào đảo chè trên chảo lửa. Tuy ngày nay, người làm chè đã có máy xao chè, vò chè, nhưng vẫn phải dùng đến bàn tay cho vào trong máy tôn quay để cảm nhận nhiệt lượng. Nhưng chắc chắn để có được một ấm trà ngon tuyệt đỉnh, không có cách nào hơn ngoài cách làm truyền thống - sao chè thủ công. Chính vì thế mà vào dịp đầu Xuân, dân vùng chè các tỉnh thường tổ chức hội thi sao chè. Mà đã sao chè truyền thống thì chẳng có gì khác là phải dùng trực tiếp đến đôi bàn tay.
Để có được ấm trà ngon, đôi bàn tay người làm chè phải trải qua nhiều cung bậc giống như ái, ố, hỉ, nộ của đời người. Là ví thế, vì từ lúc búp chè non mơn mởn, người hái còn sợ bị dập búp, nhưng khi đưa lên chảo lửa thì bắt đầu cho một cuộc bể dâu. Bắt đầu cho một hồi nhào lộn, những búp chè ấy héo đi, được đổ ra cái nong lớn và chịu sự dẫm đạp của đôi chân trần. Có một điều là quá trình dẫm đạp như thế, từng búp chè dần thành hình hài một sản phẩm có giá trị cao hoặc bình dân. Chảo nóng ran, chè chảy nhựa kêu xèo xèo và cái màu diệp lục của búp chè chuyển dần sang màu đen. Trải qua các công đoạn héo, vò rồi mới cho vào chảo xào khô.
Khi chè bắt đầu khô, người làm chè mang đổ ra nong, đánh cọ rửa chảo thật sạch rồi bắc bếp, lửa hồng dưới đáy chảo, khói ngun ngút, đôi bàn tay người làm chè lại vục đều 10 ngón tay vào để tởi rỡ cho những búp chè không bết vào nhau, trông giống như những người luyện công phu trong võ học Thiếu Lâm Tự. Người luyện công phu Thiếu Lâm Tự xục đôi bàn tay vào chảo cát đun trên lửa để đôi tay trở nên sắt thép, còn người sao chè xục đôi bàn tay vào chảo là để mưu sinh. Đó cũng là cái lẽ thường tình của người dân làm chè của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, có điều trên thế giới - sành ẩm trà vẫn luôn thuộc về đấng mày râu, còn làm ra trà ngon vẫn trông cậy ở đôi bàn tay của những người phụ nữ. Và chỉ có đôi bàn tay của phụ nữ mới mềm mại được trên chảo lửa, để lặng lẽ đổ mồ hôi cho từng búp chè cô lại dòng ta - lanh mang cái vị chát, đắng, thoảng hương cốm thơm của nếp non đầu mùa và vị ngọt dịu dàng trời đất ban tặng cho con người.