Trang tử viết: “Cẩn tín thư bất như vô thư”, có nghĩa là: Đọc sách mà tin cả vào sách thì thà không có sách còn hơn!
Ngẫm nghĩ thì hóa Trang Tử ra dấu đọc sách cần phải biết nghi ngờ, để tìm ra cái chưa hoàn thiện, cật vấn nó nhằm hoàn thiện vấn đề người viết sách đã nêu ra. Đó là cái sơ khởi của phản biện. Thế mới là biết đọc sách
Đó là một gợi ý trên lí thuyết, rất biện chứng, rất sâu sắc!
Thuở còn học ở trường Yết Kiêu, một lần tôi nghe giáo sư Phạm Công Thành nói: Ai bảo cô Tấm trong cổ tích là hiền lành, còn tôi thì không. Cái ác của Cám hại Tấm thì dễ hiểu, còn Tấm giết Cám đem làm mắm gửi cho mẹ Cám ăn thì cái ác ấy tột cùng, mất hết tình người.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe một lời bình có tính phản biện lại một giá trị mà người ta thừa nhận từ trước đến nay. Điều đó gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Ông đã chứng minh ngược lại cái giá trị đã được xác lập một cách thuyết phục.
Năm ấy là năm 1977. Nhớ ra là đã 24 năm tôi đã đọc sách và tin cái gì trong sách vở cũng đúng và không cần nghĩ ngợi gì!
Lại một lần khác cầm trên tay cuốn sách nhà Phật đọc được câu chuyện có tính giáo dục sâu sắc về việc nhìn nhận và tiếp thu phản biện. Chuyện kể rằng đức Phật giảng đạo dưới gốc bồ đề thì có một người tiến vào nói xấu về đạo của Ngài. Một, hai rồi ba ngày, người kia vẫn không ngừng lời. Các đệ tử của Thích ca thấy vậy lấy làm khó chịu. Một vị ghé tai đức Phật, xin phép muốn cùng quý hữu lôi cổ kẻ gây rối và trừng trị đến nơi đến chốn. Lúc này Đức Phật mới ngưng thuyết giảng, nhẹ nhàng nói với các đệ tử: Ấy chớ! người này tính thiện, bởi thấy đạo ta chưa hoàn thiện nên mới đến vạch ra để đạo ta hoàn thiện, sao các chư đệ lại phải tức giận nhỉ? Ta khuyên các chư đệ không được làm bừa. Nghe lời giáo huấn của đức Phật, các đệ tử lại trở về chỗ tiếp tục lắng nghe lời giảng.
Thấy những lời lăng mạ không hiệu nghiệm, đến ngày thứ tư người kia bỏ cuộc. Người gây rối đó chính là em trai của đức Phật. Trong câu chuyện này mới thấy đức Phật quả là người có lòng bao dung và tầm nhìn xa thấu suốt lẽ đời.