Vi vu tiếng sáo Hà Châu

14:50, 21/10/2011

Trong một lần đến xã Hà Châu (Phú Bình), tôi đã bất ngờ bởi tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời và tình yêu với những cánh diều của người dân nơi đây…

Hà Châu là một xã nghèo của huyện Phú Bình, địa bàn tiếp giáp với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đi trên con đê Hà Châu cao rộng, tôi có thể cảm nhận những cơn gió cuối thu mát dịu quyện theo mùi hương thơm nồng của những bông lúa mùa sớm vàng ươm trên những cánh đồng bên đê. Đến đây, tôi đã không khỏi ngạc nhiên bởi thứ âm thanh vi vu, cao vút vang vọng lại, rất gần mà cũng rất xa. Thế rồi, khi ngước nhìn lên bầu trời, hàng chục cánh diều đang căng mình trong gió hiện ra trước mắt tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều diều sáo đến vậy, với những kích cỡ to nhỏ khác nhau. Không dấu nổi sự ngạc nhiên, lẫn chút tò mò, tôi dừng xe và có cuộc trò chuyện với bác Tạ Đình Chí, 72 tuổi, người dân xóm Ngói, xã Hà Châu, đang cùng con trai là anh Tạ Đình Dương và một vài em nhỏ thả diều bên triền đê.

 

Theo như bác Chí giới thiệu thì chơi diều đã là thú chơi có từ rất lâu ở Hà Châu. Ngay từ nhỏ, chơi diều sáo đã là niềm đam mê của bác và bạn bè cùng trang lứa. Trải qua hàng chục năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở về địa phương, niềm đam mê ấy vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận ngày nay. Bác Chí cũng cho biết, cứ từ tháng 3 âm lịch hằng năm, khi hoa gạo rụng xuống, mỗi buổi chiều về, những cơn gió nồm nam thổi mạnh, trên bầu trời xã Hà Châu lại có cả trăm chiếc diều sáo như những cánh chim trao lượn, tiếng sáo hoà quyện trong gió tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt ở vùng quê này. Những chiếc diều chỉ tạm ngừng bay, khi gió mùa đông bắc thổi mạnh mang theo cái giá lạnh của mùa đông. Chúng được những người chơi diều nơi đây nâng niu, cất giữ cẩn thận, để rồi lại tung bay vào mùa sau.

 

Được biết, xã Hà Châu có 16 xóm, ở xóm nào cũng có người chơi diều, tuy nhiên tiêu biểu hơn cả có lẽ phải kể đến là: xóm Sỏi, xóm Ngói, xóm Mới. Ở mỗi xóm này, có tới hàng chục người với đủ các lứa tuổi khác nhau thường xuyên chơi diều, từ thiếu niên, thanh niên, trung niên đến các cụ già. Nhiều người sở hữu từ 2 đến 3 con diều với đủ kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Theo lời giới thiệu của một số người dân địa phương, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Viết Chiến, xóm Sỏi, một “tay” chơi diều có tiếng, hiện đang sở hữu hai con diều thuộc loại “khủng” trong xã với sải cánh 3,5 và 4 m.

 

Trò chuyện với anh Chiến, tôi tò mò muốn tìm hiểu cách làm những con diều này, không ngần ngại, anh Chiến vui vẻ giới thiệu: thông thường, diều sáo có 2 bộ phận là: diều và sáo. Mỗi bộ phận đều có yêu cầu kĩ thuật khắt khe để tạo nên con diều hoàn chỉnh, bay cao, lên thẳng và ổn định. Muốn vậy, giai đoạn “sản xuất” đặc biệt quan trọng. Loại tre làm diều phải là tre tía thật già, pha nan đem phơi khô kiệt, rồi dùng dao thật sắc để vót nan. Nan làm diều được vót mỏng dần về phía đầu để tăng tính đàn hồi cho diều khi bay. Đồng thời, khi làm như vậy sẽ giúp cho việc gò khung dễ tạo thành hình cánh cung, vừa giúp tăng sự cân đối cho diều. Đối với phần sáo diều, tuy trông đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết. Kích thước của sáo cũng phải phù hợp với diều, sáo lớn tiếng kêu trầm vang, sáo nhỏ lại có thanh âm cao vút. Thân sáo làm bằng tre được phơi 5 đến 7 nắng liên tục, sau đó cắt khoang, dọc bỏ phần cật, lấy lõi mỏng và làm nhẵn mặt trong của ống, rồi sấy khô, giúp sáo giảm tối đa trọng lượng. Tiếp đến, thân sáo lại được cho vào nồi luộc với nước muối 2 ngày 2 đêm liên tục. Làm như vậy sẽ giúp tiếng sáo ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, chống chịu tốt với các loại mối mọt. Phần miệng sáo được làm bằng gỗ dổi hoặc gỗ vàng tâm vì các loại gỗ này có trọng lượng nhẹ. Miệng sáo cũng được đục rất khéo léo, không quá mỏng cũng không qua dày để đảm bảo âm thanh trầm bổng của sáo khi bay. Khi đã hoàn thiện các công đoạn nêu trên, thân diều được dán giấy, sáo buộc vào phần giữa diều, vuông góc với trục diều, lệch khoảng 30 độ so với mặt phẳng thân diều, rồi tiến hành buộc lèo (công đoạn buộc, chỉnh dây diều trước khi thả).

 

Nghe qua hướng dẫn về cách làm diều của anh Chiến, tôi hiểu rằng để làm được một chiếc diều bay cao, sáo kêu hay quả thật không dễ, nó đòi hỏi người làm diều, chơi diều phải có niềm đam mê, yêu thích thực sự. Đây cũng chính là lời mà ông Nguyễn Viết Khải, một người chơi diều cũng ở xóm Sỏi thường nói với các thế hệ con, cháu của mình. Ông Khải cho biết: Hiện nay, nhiều loại vật liệu truyền thống như tre, giấy tàu, gỗ đã được thay thế bằng các loại vật liệu khác như ni-lông, dây cước…, giúp giảm bớt một số công đoạn phức tạp khi làm diều. Nhiều người còn “chế” thêm đèn chạy pin hoặc chạy động cơ gió, trang trí thêm nhiều hình vẽ trên thân diều, lắp thêm đuôi diều (bánh lái) tạo nên nét độc đáo riêng cho cánh diều. Tuy nhiên, dù như thế nào thì diều sáo vẫn giữ nguyên hình thuyền vốn có, chất chứa trong đó là tình yêu và niềm đam mê của người làm diều.

 

Làm được diều đã khó, đâm diều, chọi diều lại đòi hỏi người chơi diều không những phải có sức khỏe mà cả sự nhanh nhậy, khéo léo của đôi bàn tay khi điều khiển để con diều bay như ý muốn. Và có lẽ, đây cũng là những lúc vui nhất, hạnh phúc nhất, khi được thả hồn theo những cánh diều bay cao, phóng khoáng, hàm chứa những ước vọng của con người. Chẳng những thế, đối với người dân Hà Châu, thú chơi tưởng như tao nhã nhưng rất bình dân ấy còn giúp họ xua tan đi mọi mệt nhọc sau những giờ lao động vất vả trên những cánh đồng, giống như các trò chơi, hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác vẫn diễn ra. Cứ thế, lâu dần chơi diều trở thành niềm đam mê của nhiều thế hệ những con người bình dị nơi đây.

 

Qua tìm hiểu và trao đổi với nhiều người dân, chúng tôi được biết, phong trào chơi diều những năm qua trên địa bàn xã đang có dấu hiệu đi xuống do yêu cầu mưu sinh của cuộc sống, nhiều người phải đi làm ăn xa, hoặc phát triển kinh tế gia đình nên không có nhiều thời gian... Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn, sẽ thành lập các câu lạc bộ chơi diều, tập hợp những người đam mê cánh diều, góp phần lưu giữ nét hồn quê, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp này.