Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc vừa diễn ra một sự kiện văn hóa lớn khi những thư tịch cổ Oegyujanggak - bảo vật văn hóa quốc gia Hàn Quốc được đưa ra trưng bày. Sau gần một thế kỷ rưỡi tha hương, sự trở lại quê nhà của những thư tịch cổ đã làm sáng tỏ nhiều góc khuất của một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc.
Những thư tịch cổ trên là một phần của Thư viện Hoàng gia Oegyujanggak từ triều đại Joseon (còn gọi là nhà Lý) của Hàn Quốc.
Triều đại Joseon thành lập năm 1392 bởi Thái Tổ Lý Thành Quế (I Songgye) với nền văn hóa rực rỡ trong lịch sử Triều Tiên. Joseon là vương triều lâu dài nhất trong lịch sử quốc gia này. Trong hơn 5 thế kỷ tồn tại, triều đại Joseon là thời kỳ huy hoàng nhất của nền văn hóa cổ Triều Tiên về thương mại, khoa học, văn học và kỹ thuật, Nho học được đề cao và nhiều sách vở về giáo dục cơ bản được xuất bản, trong khi hiến pháp và luật pháp được hoàn thiện. Trong đó, phải kể đến việc sáng chế chữ viết mới Hangul phù hợp với tiếng Triều Tiên. Rất nhiều thành tựu đã được phản ánh và lưu giữ trong các thư tịch cổ triều đại Joseon.
Các thư tịch cổ triều đại Joseon trong Thư viện Hoàng gia Oegyujanggak lần đầu tiên bị đưa ra khỏi Triều Tiên vào năm 1866, sau một cuộc tấn công của quân đội viễn chinh Pháp vào đảo Ganghwa. Một nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tìm thấy những cuốn sách này ở Pháp vào năm 1975. Năm 1991, Hàn Quốc chính thức lên tiếng đòi lại các thư tịch cổ Oegyujanggak. Cuối cùng, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul (11-2010), Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và người đồng cấp Pháp Nicolas Sarkozy đã đạt được thỏa thuận về việc Pháp trả lại các thư tịch cổ này cho Hàn Quốc theo hình thức hợp đồng thuê gia hạn 5 năm một lần theo luật của Pháp.
Viện trưởng Viện Di sản văn hóa Hàn Quốc Park Sang-kuk, cho biết, thực chất hợp đồng thuê thư tịch cổ Oegyujanggak là sự trả lại các hiện vật văn hóa đã bị lấy mất của Hàn Quốc. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước, trong hai tháng 4 và 5-2011, tổng số 297 thư tịch cổ Oegyujanggak của Thư viện Hoàng gia triều đại Joseon bị đem về Pháp đã được bàn giao lại cho Chính phủ Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Incheon.
Sau khi những thư tịch vô cùng quý giá được Chính phủ Pháp trao trả lại, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức nhiều lễ kỷ niệm và một triển lãm đặc biệt để chào mừng thư tịch cổ của nước này trở về.
Viên quản lý Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc Jo Hyeon-jong cho biết, chất lượng của tất cả thư tịch cổ vừa được lấy lại, từ giấy, các nét trang trí bìa đến nội dung bên trong sách đều "tuyệt vời". Giờ đây, công việc tiếp theo của các nhà quản lý văn hóa Hàn Quốc là chăm sóc tốt những báu vật quốc gia và bắt đầu những cuộc nghiên cứu được các nhà khoa học nước này mong chờ bấy lâu. Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc sẽ là nơi lưu giữ bộ sách quý giá.
Vậy là, sau 145 năm tha hương, những thư tịch cổ vô cùng quý giá đã trở lại với Hàn Quốc, giúp làm sống dậy nền văn hóa của một thời kỳ quan trọng trong lịch sử nước này. Sự kiện xứ Kim Chi thu hồi được thư tịch cổ Oegyujanggak là một tiền lệ quan trọng, khích lệ những quốc gia khác trong quá trình đàm phán nhằm lấy lại các bảo vật văn hóa bị thất lạc hay đem trái phép ra nước ngoài.