Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân Xã Phủ Lý, Phú Lương luôn quan tâm thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến xã Phủ Lý khi bà con ở đây đang tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Liêu Thị Đua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Năm nay, xã tổ chức Ngày hội này với rất nhiều hoạt động như: cắm trại, thi ẩm thực, biểu diễn văn nghệ… Để chuẩn bị cho ngày chính Hội, từ mấy ngày trước, bà con đã chặt tre, nứa để làm trại, chuẩn bị gạo nếp, lá cẩm, bột… để làm các món ăn mang đậm hương vị quê nhà. Đến hội, người nào việc nấy, con trai thì dựng trại, con gái thì cắt tỉa hoa, thổi xôi, làm bánh… tiếng chày khua, tiếng nói cười hòa vào nhau rộn rã cả một vùng. Niềm vui của ngày hội, niềm vui vì những thành tích cao mà các khu dân cư đã đạt được trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khiến lòng người xốn xang.
Xã Phủ Lý có 12 xóm, 761 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Mặc dù đời sống bà con ở đây còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn, song xã luôn quan tâm thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bởi đây là một phong trào lớn mang tính xã hội sâu sắc, nhằm phát huy nội lực của toàn xã hội giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Xác định, để cuộc vận động phát triển mạnh, trước hết phải có Ban vận động nhiệt tình, năng động, nên ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn lại Ban vận động từ xã đến xóm.
Đối với Ban vận động các xóm do đồng chí Bí thư chi bộ làm trưởng ban, trưởng xóm làm phó ban, phó xóm và các chi hội đoàn thể là thành viên; đối với ban vận động các cơ quan do thủ trưởng các cơ quan làm trưởng ban. Hằng tháng, các ban vận động tổ chức họp đánh giá những kết quả đã đạt được, những mặt còn hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động, khắc phục những mặt yếu kém. Trong các mục tiêu của cuộc vận động, xã chú trọng đặc biệt đến việc vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Là xã thuần nông, đời sống bà con chủ yếu dựa vào cây lúa với cây chè. Thời gian gần đây, bà con đã tích cực chuyển đổi từ cấy lúa thuần sang các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao. Vụ mùa năm nay, toàn xã có trên 200ha lúa, thì trong đó có 20% là các giống lúa lai, năng suất bình quân toàn xã đạt trên 52 tạ/ha.
Cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, trên diện tích trên 30ha chè của toàn xã, bà con cũng chuyển dần diện tích chè trung du sang trồng chè cành giống mới như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… vì vậy năng suất chè cũng ngày càng tăng cao, đời sống nhân dân nhờ đó mà dần được cải thiện. Hiện nay, xã còn trên 200 hộ nghèo, giảm trên 100 hộ so với năm 2010. Bản Eng là một trong những xóm thực hiện khá tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác. Đồng chí Bùi Minh Kế, Trưởng xóm Bản Eng cho biết: Ngoài thâm canh hiệu quả cây chè và cây lúa, bà con trong xóm còn tích cực tăng gia thêm các loại gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, đời sống bà con trong xóm đã được nâng lên đáng kể. Hiện, Bản Eng là xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong xã, xóm có 65 hộ thì hiện còn 9 hộ nghèo.
Song song với phát triển kinh tế, xã luôn chú trọng việc vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức tuyên truyền nhân dân về 6 nội dung, 8 mục tiêu của cuộc vận động do ủy ban MTTQ tỉnh phát động. Cuộc vận động đã được toàn dân hưởng ứng tích cực, ngay từ đầu năm đã có 729/761 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Điển hình trong phong trào này là xóm Suối Đạo, đồng chí Hoàng Văn Sinh, Bí thư Chi bộ Suối Đạo, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm cho biết: Năm 2010, xóm Suối Đạo không đạt văn hóa vì có 2 hộ ở dưới xuôi chuyển lên làm ăn có đối tượng mắc nghiện ma túy. Đến năm 2011, với quyết tâm xây dựng xóm văn hóa, từ những ngày đầu năm, Ban công tác mặt trận xóm đã họp lại bàn cách giải quyết và đi đến thống nhất đến tận nhà các đối tượng nghiện để vận động, đầu tiên là vận động những người thân, tìm hiểu những khó khăn của họ từ đó có lời khuyên hữu ích, đồng thời tuyên truyền sâu cho họ về những tác hại của ma túy và ảnh hưởng của nó đến đời sống của bản thân cũng như gia đình người nghiện, từ đó họ dần hiểu và nhất trí cho con em đi cai.
Tiếp đó, đại diện Ban công tác mặt trận xóm cùng với gia đình người nghiện vận động họ đi cai nghiện tập trung, ban đầu các đối tượng nghiện tỏ thái độ rất cương quyết không nghe theo, nhưng với sự kiên trì cộng với sự mềm mỏng khéo léo của các thành viên trong Ban dần dần các đối tượng đã đồng ý. Đến nay cả 2 đối tượng nghiện này đã cai thành công và tái hòa nhập cộng đồng. Thành công trong việc đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa phương đã giúp xóm lấy lại danh hiệu văn hóa đã mất. Niềm vui này không những tạo không khí phấn khởi cho bà con trong xóm mà ngay bản thân đối tượng đã có thời gian lầm lỡ cũng thấy được ý nghĩa lớn lao của việc rút chân ra khỏi ma túy.
Sau 1 năm phấn đấu, kết quả bình xét năm 2011 toàn xã có 195 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục, số hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền là 9 hộ, 4 xóm đạt văn hóa 1 năm là: Đồng Rôm, Đồng Chợ, Suối Đạo, Na Mọn; 1 xóm đạt văn hóa 2 năm liên tục là xóm Na Dau; số xóm đạt văn hóa 4 năm liên tục có 2 xóm: Hiệp Hòa, Khe Ván; 2 xóm đạt văn hóa 5 năm liền là: Đồng Cháy và Na Biểu; 2 xóm đạt văn hóa 6 năm liên tục là: Tân Chính và Khuân Rây và đặc biệt xóm Bản Eng đạt danh hiệu văn hóa 11 năm liên tục. Kết quả này thật đáng để bà con trong xã hãnh diện và là động lực để họ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhằm nâng cao đời sống của chính bà con cả về vật chất lẫn tinh thần.