Việc phát hiện ra những cây chè cổ tại độ cao 851m (so với mực nước biển) thuộc khu rừng nguyên sinh núi Bóng, xã Minh Tiến (Đại Từ) mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Gần chục đoàn công tác đã lên tận nơi khảo sát, thu thập mẫu gửi về giám định để xác định những cây chè này thuộc giống chè trung du hay chè tuyết, niên đại bao nhiêu, đồng thời đưa ra phương án quản lý và bảo vệ...
Anh Hoàng Văn Hòa, Ban Lâm nghiệp xã Minh Tiến là một trong những người đầu tiên tình cờ phát hiện ra những cây chè cổ này cho biết: Trong một lần đi kiểm tra rừng vào cuối năm 2009, chúng tôi ngồi nghỉ trưa tại đây và nhìn thấy hoa chè rụng đầy dưới đất. Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện ra cây chè cổ thụ này có chiều cao khoảng 30m, đường kính gần 1m, thân cây to 2 người ôm mới xuể. May mắn cho chúng tôi phát hiện ra cây chè cổ này vào đúng mùa chè ra hoa chứ nếu không thì rừng cây rậm rạp thế này có nhìn gốc cây cũng không thể biết được đây là cây chè. Ngoài cây chè cổ thụ trên, tại khu vực này còn có 1 số cây chè nữa với kích thước nhỏ hơn, độ cao trung bình. Theo kinh nghiệm trồng chè của người Hà Giang, một gốc chè có đường kính 20cm thì tuổi thọ phải từ 60-80 năm. Theo nhận định một số cán bộ chuyên môn thì những cây chè này tồn tại từ hàng trăm năm nay.
Mang những điều thắc mắc về sự tồn tại của những cây chè cổ này đã lâu mà bây giờ mới được cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi tìm đến người dân địa phương - những con người mưu sinh nhờ bám vào rừng. Xóm Lưu Quang 5 có trên 60 hộ dân thì đa số họ sống dựa vào rừng. Qua trò chuyện với anh Nguyễn Văn Thụy, Trưởng xóm Lưu Quang 5 chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng việc phát hiện ra những cây chè cổ này đối với người dân địa phương chẳng có gì bất ngờ. Anh Thụy kể: Từ nhỏ, tôi đã theo người lớn lên rừng hái củi, bẻ măng, tôi thuộc khu rừng này như chính ngôi nhà của mình vậy. Những cây chè cổ đó tồn tại nhiều năm nay, không biết từ bao giờ nhưng mỗi lần lên rừng là người dân chúng tôi lại dừng chân nghỉ tại khu vực đó, leo lên hái lá chè đun nước uống xua tan bao mệt mỏi, lấy lại sinh lực để tiếp tục công việc. Thậm chí, họ còn hái búp chè mang về sao lên uống, thưởng thức, biếu người thân và coi được uống thứ chè này như một nguồn thảo dược quý hiếm.
Cầm cành chè được hái từ cây chè cổ xuống, theo quan sát của chúng tôi, búp của cây chè này to hơn rất nhiều so với búp chè thông thường. Lá chè mềm hơn, to bản, dày hơn, răng cưa rõ ràng, khi nếm thử có vị thanh mát, không chát như lá chè tươi được người dân trồng đại trà. Khi thưởng thức, nước chè này có hương thơm như chè Bát Tiên.
Có thể nói việc phát hiện những cây chè cổ này có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu nguồn gốc cây chè ở Đại Từ nói riêng, tỉnh Thái Nguyên vùng đất nổi tiếng với cây chè nói chung. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra đó là việc xác định rõ ràng nguồn gốc và quan trọng hơn cả là việc bảo vệ những cây chè này. Từ khi phát hiện những cây chè cổ này đã có một vài đoàn khảo sát lên tận nơi nhưng chưa có kết quả khoa học đáng tin cậy giám định thành phần, phẩm chất lá chè cũng như sự tương đồng về nguồn gốc so với những giống chè cổ còn tồn tại ở nước ta. Đồng thời cần có sự liên hệ về lịch sử để hiểu rõ hơn lí do tồn tại và sinh trưởng của những cây chè này. Việc làm này đòi hỏi tỉnh ta phải xây dựng một đề án khoa học bởi kết quả mang lại sẽ đóng góp rất nhiều vào việc nâng tầm cây chè Thái Nguyên...