Di sản là giá trị để lại cho mai sau

11:06, 27/11/2011

Sức sống của di sản, dù là di sản vật thể hay phi vật thể phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của cộng đồng

Trong tuần qua, có một tin vui là Hát Xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể thứ 6 của Việt Nam được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới. Nếu tính cả di sản vật thể thì con số này đã lên tới hàng chục. Đây vừa là niềm tự hào vừa đặt ra trách nhiệm lớn cho những địa phương, cộng đồng có di sản. Tuy nhiên, ai bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản? Đó vẫn là câu hỏi chờ sự trả lời của mỗi người chúng ta.       

 

Dễ thấy nhất là các di sản khi được vinh danh ở tầm thế giới đều trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam, như cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha – Kẻ Bàng... Danh hiệu di sản thế giới cũng làm cho các địa phương nhận thức rõ hơn và có kế hoạch, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

 

Tuy nhiên, phát triển du lịch và bảo vệ di sản luôn luôn đặt ra những yêu cầu trái ngược nhau không dễ xử lý cho vẹn cả đôi đường, có lúc có nơi phải hy sinh mục tiêu này vì mục tiêu kia. Đó là di sản vật thể. Còn đối với di sản phi vật thể cũng có không ít thách thức. Chẳng hạn sau khi Quan họ Bắc Ninh được vinh danh thì có hàng loạt chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này, nhưng vấn đề đặt ra là kinh phí. Riêng việc đưa Quan họ Bắc Ninh vào trường học đã tốn kém kha khá về tiền bạc khi phải xây dựng giáo án, đào tạo giáo viên, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,… Hay như mỗi lần Festival Cồng chiêng Tây Nguyên cũng tiêu tốn không ít công của, chưa kể việc phục hồi các lễ hội để trả lại không gian đích thực cho Cồng chiêng Tây Nguyên như Lễ đâm trâu mừng lúa mới, Lễ bỏ mả… Kinh phí là một chuyện, làm không cẩn thận còn đánh mất đi giá trị gốc đích thực của di sản, mà việc phục dựng Hội Gióng mới đây là một ví dụ. Hát Xoan cũng vậy, chỉ cần một chút “cải biên” tùy tiện là có thể làm mất đi giá trị toàn vẹn của nó.

 

Bên cạnh những khó khăn, thách thức như vừa kể, cũng phải thấy rằng trong thời gian gần đây, khái niệm di sản có phần bị lạm dụng. Việc làm hồ sơ để vinh danh tầm thế giới cũng có xu hướng trở thành phong trào. Và còn nữa, khi di sản được vinh danh thì cộng đồng và những người thực hành di sản dễ có suy nghĩ rằng phải làm gì đó để di sản chứng tỏ được sự độc đáo, xứng với danh hiệu ở tầm thế giới. Sai lệch về nhận thức dẫn đến không ít hậu quả đáng tiếc trong cách ứng xử và thực hành di sản.

 

Di sản của ông cha ta là vô cùng quý giá và đồng hành với tất cả các thế hệ. Nhưng ai gìn giữ di sản? Câu hỏi này càng có thêm ý nghĩa nếu biết rằng, ngoài các di sản vừa nói đến còn có nhiều loại hình di sản đang tiềm ẩn. Chỉ cần kể ra đã thấy vượt quá tầm của từng địa phương, từng ngành. Chẳng hạn như các di sản về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng cổ, nhà cổ, khu bảo tồn, vườn quốc gia... Rồi việc phát triển các đô thị không theo quy hoạch, hoặc quản lý qui hoạch không nghiêm đã, đang và còn tiếp tục chèn lấn, làm mất đi những di sản vô giá. Tình trạng tương tự cũng diễn ra song hành với quá trình đô thị hóa nông thôn.

 

Để đảm bảo quản lý và phát huy giá trị của các di sản, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phù hợp trong từng thời kì, giai đoạn. Trước hết là hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý và tăng cường hiệu lực của các văn bản pháp quy trong lĩnh vực này. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích, ngân sách được chi thường xuyên để triển khai các dự án điều tra, sưu tầm, lưu trữ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tổng kinh phí hằng năm lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Chính phủ và nhiều tỉnh, thành phố cũng dành tiền và quỹ đất cho việc di dời các công trình xây dựng xâm phạm di tích. Bộ máy quản lý được hoàn thiện dần dần. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhân viên, nghệ nhân được tập trung đào tạo, số lượng ngày càng đông đảo. Chủ trương xã hội hóa đã huy động thêm nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản.

 

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả và là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến tương lai của di sản chính là sự ủng hộ của cộng đồng. Sức sống của di sản, dù là di sản vật thể hay phi vật thể, cũng nằm ở chỗ này. Nếu các thế hệ đương đại, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ không quan tâm thì không thể nói đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của những tài sản vô giá này. Mỗi cá nhân, cộng đồng, vì thế, cần có tinh thần trách nhiệm cao, có lòng yêu quý và tự hào về các di sản, về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của đất nước mình. Bởi giá trị của hôm qua còn lại đến nay cũng chính là giá trị của hôm nay để lại cho mai sau./.