Kỳ vọng từ 2,5 vạn hiện vật

09:46, 21/11/2011

Bảo tàng Văn học Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý liên quan đến thân thế, sự nghiệp của nhiều tác giả tên tuổi, đang trong quá trình hoàn thiện về nội dung trưng bày.

Đã mất nhiều công sức tạo dựng và thời gian chờ đợi, mong bảo tàng mới trong tương lai gần này sẽ "thoát" được sự trì trệ chung của nhiều bảo tàng nước ta những năm qua.

 

"Kho của"

 

Chờ đợi nhiều năm, đến nay Bảo tàng Văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam mới đang trong quá trình xác lập tương đối rõ hơn về cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất đã sắp… "hòm hòm". Xây dựng từ năm 2001 cho đến 2005 cơ bản hoàn thành nhà bảo tàng và nay cơ ngơi này đã xong phần vỏ, thời gian tới sẽ làm nốt dự án sân vườn. Những người thiết tha với bảo tàng đang hy vọng sau nửa năm đầu 2012 sẽ xong tất cả, lễ khánh thành được tổ chức và bảo tàng có thể xếp vào hàng kỷ lục về chuẩn bị, xây dựng… sẽ đi vào hoạt động.

 

 

Dù sao, niềm trông đợi lớn nhất là những gì bảo tàng tương lai này đang sở hữu, cũng đáng để làm chỗ dựa - khác với một số suy nghĩ lâu nay là hệ thống hiện vật của bảo tàng còn sơ sài, thiếu thốn. Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Phó giám đốc dự án xây dựng bảo tàng, hiện kho bảo quản tại ngõ 275 Âu Cơ, quận Tây Hồ đang lưu giữ một lượng "tài sản văn chương" khá dồi dào: 2,5 vạn hiện vật. Trong đó có nhiều hiện vật quý. Có thể kể đến các bộ sưu tập khác nhau như hơn 10 bộ sưu tập của các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh như nhà thơ Tố Hữu, nhà phê bình Hoài Thanh… bộ sưu tập máy chữ của hơn 10 nhà văn được sử dụng từ thời bao cấp. Cùng với đó là nhiều đồ dùng của các nhà văn đi công tác chiến trường: dây lưng, bao đeo, màn, tăng, võng, bồng, ruột tượng… của nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Tế Hanh…

 

Bảo tàng còn đang lưu giữ hàng trăm phim chân dung nhà văn và rất nhiều ảnh tư liệu. Nhiều hiện vật khác rất quý và độc đáo cũng như lưu dấu những kỷ niệm cảm động. Có thể kể đến chiếc bàn của đại thi hào Nguyễn Du từ những hơn 200 năm trước được sưu tầm ở quê vợ Nguyễn Du tại Thái Bình khi ông về đó ở ẩn. Rồi hai cuốn Tản Đà văn tập của thi sĩ "giang hồ mê chơi quên quê hương", viết bằng chữ quốc ngữ từ năm 1914 do con trai ông - nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương quý tặng bảo tàng. Hay chiếc chum từ Long An gửi ra mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã chui vào ẩn náu khi địch vây bắt và đã anh dũng hy sinh. Hoặc viên gạch khắc tên nhà văn Trần Đăng khi hy sinh ở biên giới. Đồng đội không có gì làm dấu nên đã dùng lưỡi lê khắc lên viên gạch này chôn theo nhà văn. Khoảng 8 năm trước ngôi mộ được khai quật và 3 năm trước viên gạch đã được gia đình tặng cho bảo tàng.

 

Đợi cách làm hay

 

Nhưng để sử dụng hữu hiệu hệ thống hiện vật quý này và xây dựng cơ chế hoạt động hiệu quả, tiên tiến, thoát khỏi lối mòn của nhiều bảo tàng phủ bụi những năm qua, là cả nhiều câu hỏi không nhỏ. Hiện nay biên chế của bảo tàng đang được phê duyệt và sau khi chốt nhân sự bảo tàng sẽ có các phòng ban. Trong đó phòng kiểm kê, bảo quản, sưu tầm và phòng trưng bày, tuyên truyền sẽ phải gánh nhiều trách nhiệm quan trọng sao cho bảo tàng thực sự có sinh khí mới mẻ. Ông Minh cho biết, với tổng diện tích 3.800m2 tính cả khuôn viên, trong đó hơn 1.000m2 của 3 tầng dành cho trưng bày, những người điều hành bảo tàng sẽ phải nghiên cứu đầu tư công nghệ để thiết lập phòng tra cứu về các tác giả, tác phẩm, ngân hàng tiếng nói nhà văn và hệ thống thuyết minh bằng máy cùng với hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên.

 

Được biết với yêu cầu sớm đổi mới trong hoạt động bảo tàng, hiện đã có những ý tưởng cho công tác trao đổi, luân phiên trưng bày với các bảo tàng khác, tổ chức triển lãm lưu động. Nhất là tiếp cận với các trường học. Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ hợp tác với Bộ GD-ĐT trong công việc này để hỗ trợ trưng bày hiện vật, hình ảnh cho học sinh trong quá trình học tập, tìm hiểu các nhà văn trong sách giáo khoa. Ngoài ra một hình thức độc đáo cũng đã được nghĩ đến, đó là huy động ngay chính những tác giả có tên tuổi tham gia vào công tác giới thiệu, thuyết minh, nói chuyện của bảo tàng.

 

Mong rằng ngay từ bây giờ, Hội Nhà văn Việt Nam, ban lãnh đạo dự án xây dựng bảo tàng sớm có nhiều sáng kiến khả thi cho các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp tại bảo tàng khi mở cửa. Nếu vận dụng khéo, đây sẽ là không gian cho hoạt động thư viện, nghiên cứu, sáng tác, hội thảo, giao lưu văn học sôi nổi, cải thiện tình hình chật chội cho các hoạt động vẫn thường diễn ra tại trụ sở Hội ở số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nghĩ đến một thư viện với đầy đủ tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng xưa nay cũng như những cây bút gây chú ý trong đời sống văn học đương đại. Ngoài ra, với hệ thống hiện vật đang lưu giữ và sẽ được tiếp tục sưu tầm, tiếp nhận, bổ sung, cần nhanh chóng nghĩ đến một bảo tàng trên mạng thông qua website. Qua đây nhằm cung cấp rộng rãi hơn tới bạn đọc nhiều thế hệ những gì lưu giữ hình bóng, cá tính của những văn tài, những người đóng góp vào sự phát triển văn học, văn hóa của đất nước. Với Bảo tàng Văn học Việt Nam tương lai, có nhiều địa chỉ rất đáng tham khảo về quy cách trưng bày, duy trì hoạt động, tổ chức sự kiện như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng không gian văn hóa Mường…