Tại ngã rẽ cầu suối Lu là con đường đất khá rộng rãi dẫn đến địa phận xóm Ba Nhất (Phú Thượng, Võ Nhai). Cách đây mươi năm về trước, con đường này chỉ là đường mòn khó đi, chưa kể hơn trăm hộ dân nơi đây sống trong cảnh không điện, không trường… với những khó khăn trồng chất.
Nhưng từ khi nhân dân trong xóm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nội lực được phát huy, những khó khăn dần được đẩy lùi, cách đây 5 năm, xóm đã được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh.
Đến Ba Nhất vào mùa này, trước mắt chúng tôi trải dài những nương ngô trổ hoa cờ trắng phau, bắp xanh nuột nà, to chắc; trong những khoảng sân rộng thóc lúa được hong phơi vàng óng ả. Trưởng xóm Ba Nhất Lý Văn Sinh vui vẻ: Ba Nhất có diện tích tự nhiên 2.000 ha, trong đó đất rừng phòng hộ giao cho người dân chăm sóc chiếm 1.426 ha, hơn 80 ha đất bãi soi trồng màu, 40 ha đất lúa… Có thể nói, Ba Nhất đang sở hữu nguồn tài nguyên đất khá phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững. Trước kia, nhiều diện tích chỉ trồng được một vụ lúa, nhưng nhờ chúng tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nay đã trồng được 2 vụ. Ngoài giống Bao thai, chúng tôi đưa thêm Nhị ưu 838, siêu Khang dân, Việt lai 20… Diện tích trồng ngô hơn 70 ha, giống ngô thuần năng suất thấp đã được thay bằng nhiều giống ngô mới như Lai việt H99, NK67, NK4500 cho hiệu quả cao trông thấy. Nếu trước đây năng suất chỉ đạt 1,2 - 1,5 tạ/sào thì nay đã tăng lên 3 tạ/sào. Chè ở đây được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp. Từ 2009 diện tích chè được mở rộng nhanh chóng, mỗi năm tăng 3ha, giống chè cành RI 777 được nhân rộng, hiện tại toàn xóm có 33 ha chè. Nhờ chè mà người dân có việc làm quanh năm, nhiều hộ dần khá giả. Tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% trở lên. Hiện xóm chỉ còn 60/196 hộ thuộc diện hộ nghèo. Trong đợt bình xét hộ nghèo đầu tháng 11 -2011 vừa qua, dự kiến sẽ giảm thêm được 5% nữa.
Được Trưởng xóm giới thiệu, tôi tìm đến gia đình anh Triệu Long Vượng, một trong những gia đình đã vươn lên trong đói nghèo. Gia đình anh Vượng bắt đầu trồng chè phá thế độc canh cây ngô từ 2006, đến nay diện tích chè đã được anh nhân rộng tới 1,2 mẫu và có sản lượng cao nhất nhì xóm. Mỗi lứa thu 1,7 tạ chè khô, trừ chi phí anh thu lãi 6 triệu/lứa. Ngoài ra, anh vẫn dành diện tích đất gieo trồng 2 vụ ngô/năm, mỗi vụ anh thu về 1 tấn ngô. Khác với gia đình anh Vượng, gia đình anh Đặng Văn Thông lại đi lên từ việc chăn nuôi lợn, gà. Mỗi lứa anh nuôi từ 20- 30 con, có thời điểm lên đến 70 con, số gà hơn 1.000 con/lứa. Chăn nuôi đã giúp gia đình anh thoát nghèo, ổn định kinh tế từ mấy năm nay.
Kinh tế phát triển ổn định, bà con Ba Nhất có điều kiện xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tích cực hơn. Với tiêu chí xây dựng Khu dân cư văn hóa, gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo tiến tới duy trì, phát huy danh hiệu Làng văn hóa. Mỗi năm, xóm thường tổ chức khen thưởng, động viên một số gia đình tiêu biểu. Trưởng xóm Lý Văn Sinh cho biết: Xóm đã xây dựng được nhà văn hóa xóm từ năm 2004. 85% số hộ đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Chúng tôi chia xóm thành 6 tổ dân cư, mỗi khi hội họp, các tổ trưởng sẽ trực tiếp đến từng hộ thông báo. Dân mình giờ không chỉ tự giác làm kinh tế mà hoạt động làng xóm cũng rất nhiệt tình, rủ nhau cùng tham gia đầy đủ. Riêng chuyện mâu thuẫn, khúc mắc thì có ban hòa giải, sẽ đến tận nhà dân trò chuyện thân tình, hỏi han tâm sự để tìm ra nguyên nhân. Sau đó tìm cách tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu. Cơ bản là lấy cái tình “đối đãi” với nhau chứ không áp dụng nguyên tắc. Thế nên việc tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội, thực hiện đường lối, chính sách mới… luôn được bà con hưởng ứng cao và tự giác chấp hành. Trong xóm không có người sinh con thứ 3, không đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội, việc đóng góp, thực thi nghĩa vụ công dân luôn hoàn thành vượt mức.
Gặp gỡ ông Lý Tiến Long (năm nay 75 tuổi), hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo điển hình nhiều năm liền, mới thấy hết “tinh thần xây dựng văn hóa” ở đây. Căn nhà gỗ 4 gian có tất cả 9 thành viên gồm 4 thế hệ. Có một sự phân chia dường như rất quy củ từ những chiếc giường được kê gọn ghẽ, ngăn nắp. Với 7 sào chè, 2 mẫu đất ngô và lúa, tất cả đều được coi là của chung chứ không có sự phân chia nào, thể hiện rõ nhất có lẽ là “mâm cơm chung” trong mỗi bữa ăn. Ông Long khiêm tốn “Nếp nhà chung duy trì sự đoàn kết, bữa cơm là nơi gắn kết mọi người trong gia đình một cách hiệu quả. Mình phải luôn làm gương cho các con cháu, cũng chẳng có gì to tát đâu, chỉ động viên chúng làm ăn, học tập bằng tất cả lòng yêu thương. Đơn giản vì giữ được nếp nhà là giữ được nhiều giá trị cuộc sống lắm”. Không khó để tôi nghe tiếng máy vò, tiếng vòng quay sao chè hối hả, tò mò muốn xem cách thức chế biến chè ra sao, tôi ghé thăm nhà bà Lý Thị Lan. Năm nay 73 tuổi nhưng trông bà vẫn nhanh nhẹn, luôn tay với hai chiếc máy vò và sao chè. Bà Lan cũng là một nghệ nhân hát ví có tiếng trong xóm, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xóm, xã và huyện. Hát ví không có nhạc cụ, chỉ có tiếng hát mang đậm niềm tự hào, tin tưởng về Đảng, Bác Hồ… ngồi một lát, bà Lan tự sáng tác rồi cất lời hát bằng tiếng dân tộc Dao. Sau đó bà dịch nghĩa cho tôi, đó là khúc hát về cuộc sống và những ngày mùa đầy ngô, thóc… “Cái khổ không còn nữa, mình vui, khỏe để còn giáo dục con cháu xây dựng gia đình văn hóa chứ” - bà Lan tươi cười nói.
Nhắc đến nét mới nhất ở Ba Nhất, Trưởng xóm Sinh khoe ngay: Ngày 5-9-2011, Trường Tiểu học Phú Thượng 2 trên địa bàn xóm đã vinh dự đón nhận Bằng công nhận Trường đạt Chuẩn Quốc gia. Những năm gần đây, 100% các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Số người học ĐH, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có khoảng 15 người. Ngang qua nhà văn hóa xóm, nghe các bé mầm non đang bi bô đọc chữ. Anh Sinh tiếp lời: Gia đình bác Triệu Long Kim đã tự nguyện hiến 720 m2 đất ruộng để xây Trường Mầm non xóm và làm sân thể dục cho Trường Tiểu học rồi, dự kiến sang năm tới sẽ xây trường cho các cháu.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Hoàng Anh Tuấn, chúng tôi được biết, Phú Thượng được chọn là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới, cũng là xã tiên phong xây dựng Làng Văn hóa của huyện Võ Nhai. Ba Nhất là xóm đi đầu dẹp bỏ tệ nạn mê tín dị đoan đã ăn sâu từ bao đời, tục ma chay, cưới hỏi dài ngày… bây giờ người dân biết đi bệnh viện thay vì gọi thầy ma về cúng, tinh thần tự giác trong dân khá cao, liên tục đạt chuẩn làng văn hóa cấp huyện nhiều năm liền. Xóm tham gia nhiều hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện và luôn đoạt giải cao, đặc biệt xóm có nhiều nghệ nhân biết hát ví, nét văn hóa truyền thống đặc trưng độc đáo dân tộc Dao…