Lưu luyến hội trà

08:59, 16/11/2011

"Hội đã tan rồi"... du khách lại tỏa về mọi miền của Tổ quốc nhưng lòng còn lưu luyến nhiều kỷ niệm về miền đất có những ngọn đồi căng mọng sức xanh của chè.

Sau những ngày hội trà, quê hương chè Thái Nguyên trở lại với cuộc sống bình dị vốn có. Song dư âm của một ngày hội chè lớn nhất lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, đã để lại trong lòng người dân địa phương, cũng như du khách trong nước, quốc tế một ấn tượng đẹp về vùng đất Thái Nguyên, nơi có những người con Anh hùng trong chiến đấu, bền bỉ trong lao động sản xuất. Cùng năm tháng, các thế hệ kế tiếp nhau làm nên diện mạo Thái Nguyên trở thành khu công nghiệp nặng đầu tiên của Tổ quốc; một Hồ Núi Cốc huyền thoại tắm tưới cho câu Sli, câu lượn của sơn nữ trên nương chè thêm đằm thắm, làm khúc ngân ca diệu vợi nỗi nhớ như níu chân người.

 

Thưởng thức trà xanh trên con đường huyền thoại

 

Cái màu xanh diệp lục của chè xứ Thái tựa chất men mê hoặc, đã "chót" uống rồi, muốn quên cũng không thể. Trong suốt những ngày diễn ra Liên hoan Trà, cả T.P Thái Nguyên dường như không ngủ, đường Thanh Niên kề bờ sông Cầu, sân Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có các làng chè truyền thống biểu diễn nghệ thuật pha trà, mời trà và giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt trên đoạn đường phân cách giữa Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với Công viên Sông Cầu, Ban Tổ chức xây dựng thành một con đường huyền thoại trà, với những đèn lồng treo cao, phía dưới treo tấm pano giới thiệu về lịch sử uống trà của các nước trên thế giới. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như chơi cờ người, cho chữ, hát xẩm, thi hái chè, sao chè và thưởng trà... Tất cả tạo nên một không khí sôi động mà đầm ấm.

 

Một "tiệc trà" kéo dài đến cả tuần có sự tham gia của nghệ nhân, người làm chè từ vùng núi cao Suối Giàng (Yên Bái); ở xứ sở hương hồi Lạng Sơn về; người bên vùng chè Phú Thọ, Tuyên Quang sang; từ cao nguyên Lâm Đồng ra. Đặc biệt là sự có mặt của đại diện một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, một cường quốc đang trỗi dậy về kinh tế; Trung Quốc, đất nước có số dân hơn 1,3 tỉ người và Srilanca, vùng đất có nhiều chè nhất trên thế giới... Đại diện của mỗi vùng miền Tổ quốc, từ mỗi quốc gia và lãnh thổ đều mang những ấm trà ngon nhất của quê hương mình tham góp với Liên hoan. Nào trà đen Ấn Độ, trà Ô Long Đài Loan, chè mộc Lào... Trong ngày hội, ai nấy ắp đầy niềm tự hào là được sinh ra trên vùng quê trời - đất ban tặng cho cây chè, một sản vật được ví như loại dược liệu quý gắn bó với đời sống tinh thần của hàng tỷ người trên trái đất. Vì lẽ đó mà ngay trong Liên hoan Trà, bất cứ lúc nào, khi bàn trà có khách thăm, không phân biệt màu da, chủng tộc hay nam - phụ, lão - ấu, đại diện các miền chè trên thế giới đều trực sẵn một nụ cười chào đón, khiến khách ẩm, nhấp chén trà thấy lòng nhẹ tênh như dạo bước giữa miền cực lạc.

 

Giữa lòng "thủ phủ đệ nhất danh trà" Thái Nguyên, các vùng chè của tỉnh, trong nước và một số nước trên thế giới hội về trong vòng tay hữu nghị cùng làm nên một "Đại tiệc Trà" hấp dẫn, phong phú, bởi hàng trăm sản phẩm chè được trưng bày, giới thiệu, quảng bá. Qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh của ngành trồng, chế biến, xuất khẩu trà của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Giữa nô nức hội vui, người dân Thái Nguyên được hòa mình vào các cuộc thưởng trà thú vị, được đến thăm những miền chè của Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập (Đồng Hỷ)... cùng dụi mắt vì khói khi tận mắt chứng kiến các nghệ nhân vục đôi tay trên chảo nóng với những búp chè xanh; chợt ồ vang khi thưởng những màn trò dân gian thú vị; lại có phút lắng lòng khi nhâm nhi một cọng chè thơm, cảm nhận hương vị của trà lan tỏa về huyết quản.

 

Hàng vạn người dân đổ về Thái Nguyên tham dự Liên hoan

 

Cuộc vui được nhiều người chú ý hơn là phần trình diễn Người đẹp xứ Trà thu hút 150 thí sinh từ 17 tỉnh, thành có chè trong cả nước về dự. Rồi nữa, ngay sân Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cuộc thi Cây chè đẹp đã làm nên những bất ngờ vì dáng thế của cây chè - hiên ngang, vững chãi, gộc gằn mà trên tán lá búp vẫn mởn xanh nhựa sống. Giữa Liên hoan Trà háo hức bao chân người, nào “Chợ quê ẩm thực và sản vật văn hóa các dân tộc”; nàoHội chợ triển lãm Thương mại và Du lịch”; “Carnaval Tràvà những đêm Trà - Tinh hoa trời đất bốn phương”…giải đua thuyền trên Hồ NúiCốc, triển lãm giới thiệu đất nước, con người Việt Nam; đấu cờ người; biểu diễn võ thuật; biểu diễn nghệ thuật và Hội thảo kinh tế về cây chè... Các hoạt động tại hội chợ và hội thảo đã tạo cho các doanh nhân Thái Nguyên và doanh nhân trong nước, nước ngoài gặp gỡ, trao đổi và ký kết các bản ghi nhớ đầu tư, hoặc những hợp đồng kinh tế về chè. Với người Thái Nguyên, niềm tự hào trong Liên hoan lần này là được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập về 2 kỷ lục lớn: Một kỷ lục có số người uống trà cùng lúc nhiều nhất (khoảng hơn 1.000 người) và một kỷ lục về bộ ấm chén khủng nhất, trong đó chiếc ấm cao 3m, đường kính 4,5m; 3 chiếc chén, mỗi chén cao 1m, đường kính 0,8m. Bộ ấm chén được đặt trên lá chè gắn gốm có kích thước 8m x 5,6m.

 

Liên hoan Trà còn mang đến cho người dân Thái Nguyên những đêm biểu diễn nghệ thuật đầy ấn tượng, mới lạ, hấp dẫn của sự kết hợp nhuần nhuyễn của lửa – nước, của những màn trình diễn pháo hoa rực sáng bầu trời của xứ sở chè Thái Nguyên. Như một tín hiệu vui, qua Liên hoan Trà đã tạo dựng cho những người gieo trồng, chế biến, kinh doanh trà trong nước thêm vững chắc niềm tin, lòng tự hào về cây chè đặc sản. Từ đó khuyến khích người trồng chè cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh tăng cường mối liên kết, tích cực đầu tư, đẩy mạnh sự phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường chè với bạn bè năm châu bốn biển. Liên hoan Trà đã khép lại, giờ phút chia tay đầy lưu luyến, nhiều du khách tự thầm hẹn với lòng mình vào một ngày gần nhất sẽ trở lại Thái Nguyên, để được thả hồn trên những nương chè xanh, ngắm dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy, hoặc bồng bềnh phiêu lãng trên du thuyền, nghe câu hát huyền thoại về tình yêu đôi lứa được cất vang trên lăn tăn sóng Hồ Núi Cốc, và nhẩn nha thưởng thức hương, vị trà xứ Thái.