Người bảo tồn sách và văn tự Dao cổ

09:48, 03/11/2011

Ông Bàn Sinh Phượng, xóm Đèo Muồng, xã Bảo Linh hiện là một trong những người đang lưu giữ nhiều sách và văn tự Dao cổ nhất ở huyện Định Hóa.

Với ông Phượng, đây là món thừa kế quý báu, thiêng liêng của cha ông để lại và ông phải có trách nhiệm giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

 

Ở xóm người Dao Đèo Muồng, xã Bảo Linh, ông Phượng được bà con kính trọng gọi bằng Thầy bởi ông chuyên làm các nghi lễ cúng bái, cũng là người hiểu biết thông rộng và lưu giữ được nhiều sách và văn tự cổ của dân tộc mình. Trong chiếc hòm gỗ cất kỹ trên gác, ông Phượng đang lưu giữ gần một trăm cuốn sách viết bằng chữ Nôm trên giấy dó. Trong số này có rất nhiều cuốn sách có giá trị như: Cuốn Hán Văn do các thế hệ người Dao ghi chép lại tất cả những hiện tượng tự nhiên, xã hội và phong tục tập quán của con người. Cuốn sách còn nói về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng người Dao ở Định Hóa nói chung và dòng họ Bàn ở xã Bảo Linh nói riêng; cuốn Tết Nhảy có nội dung cầu cho mùa màng, cây cối tươi tốt, cuộc sống sung túc; cuốn Cấp Sắc nói về các thủ tục công nhận một người con trai đã đến tuổi trưởng thành; cuốn sách Hát giao duyên chép lại những lời hát cổ của người Dao…

 

Ông Phượng chia sẻ: “Trong số sách này, tôi tâm huyết nhất với cuốn Vạn Sự, bởi đây là cuốn sách cổ nhất (đã ra đời cách nay gần 150 năm), đúc rút lại những kinh nghiệm dân gian của người Dao về cách đặt hướng dựng nhà, xem tuổi lập gia đình, “so tuổi” nam nữ có hợp nhau hay không…”. Nội dung cuốn sách Vạn Sự ngoài diễn đạt bằng chữ Nôm, người xưa còn vẽ nhiều hình minh họa rất sinh động, chân thực để người đọc dễ dàng thông hiểu. Ví như so tuổi người nam mệnh thổ với người nữ mệnh kim là hòa hợp - thì có hình vẽ đàn trâu, dê, gà chó đông đúc; chồng mệnh hỏa với vợ mệnh thủy là không hợp - thì hình vẽ một cái kho trống không, không có thóc lúa, làm ăn cũng không được… Đây cũng là cuốn sách được ông Phượng sử dụng để xem và làm các nghi lễ cúng bái cho cộng đồng người Dao trong vùng.

 

Toàn bộ những cuốn sách và văn tự Dao cổ được ông Phượng kế thừa từ các thế hệ đi trước. Không có điều kiện đến trường học, ông đã tự mình học chữ từ bố đẻ và đọc thuộc lòng những cuốn sách. Không những thế, để lưu giữ và truyền lại những tư liệu quý báu cho thế hệ sau, hơn chục năm nay ông Phương đã cần mẫn ngồi đọc và chép lại những những cuốn sách đã cũ nát. Ông cho biết: “Hiện tôi đang chép lại 2 cuốn là Hán Văn và Hát giao duyên. Trung bình mỗi cuốn sách chép lại cần thời gian từ 3 đến 4 tháng, riêng cuốn Hán văn dày hơn cả nên đã chép gần 1 năm nay vẫn chưa xong”. Để có giấy tốt, ông Phượng đã lặn lội về tận Bắc Ninh đặt mua giấy dó để sao chép lại, rồi dùng bìa cứng đóng thành quyển, sau đó xếp ngăn nắp vào hòm gỗ. Ông Phượng tâm sự: “Có những cuốn sách đã cũ nát, chẳng mấy ai quan tâm đến nhưng tôi vẫn cố gắng sao chép lại để sau này con cháu cần thì tìm học hoặc làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu”.


 

Trong số gần 100 cuốn sách đang lưu giữ, ông Bàn Sinh Phượng đã sao chép lại được hơn chục cuốn sách cũ nát. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ tiếp tục sao chép lại thêm nhiều cuốn sách nữa, đồng thời truyền dạy cách đọc, viết chữ Nôm Dao cho các thế hệ trẻ ở địa phương. Việc làm của ông Phượng đã góp phần lưu giữ những giá trị nhân văn quý báu của dân tộc mình, đồng thời làm đa dạng nền văn hóa ở địa phương.