Họ gồm 4 người. Cao tuổi nhất đã ngoài 70. Ít tuổi nhất cũng đã ngoài 50. Không còn trẻ và dồi dào sức khỏe, nhưng lòng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh của họ thì thật đáng khâm phục
Họ trèo đèo, vượt thác, ăn bánh mì, uống nước trắng để tiếp cận những khoảnh khắc cuộc sống độc đáo, dâng hiến cho công chúng một góc nhìn, một lát cắt, hội tụ trong Triển lãm có tên “Cảm xúc cuộc sống”
Để có được triển lãm này, bốn hội viên Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, là hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam:Văn Chi, Đỗ Anh Tuấn, Khắc Thiện, Việt Hùng đã dành nhiều tâm sức, ý tưởng, chọn lọc để mỗi người có được 25 tác phẩm ưng ý vừa thể hiện được phong cách riêng, vừa có tiếng nói chung, tạo thành bản hợp xướng vừa đa thanh vừa đồng nhất, truyền sự rung cảm của nghệ sĩ đến với công chúng.
Nắng sớm vùng cao. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn
100 tác phẩm công bố tại triển lãm là 100 câu chuyện về sự phát hiện, tìm tòi góc nhìn, ánh sáng, tốc độ, khẩu độ - những thao tác thông thường của người bấm máy. Mỗi bức ảnh là một kỷ niệm không bao giờ quên về tình người, mảnh đất nơi họ đến.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Chi là người cao tuổi nhất trong 4 nghệ sĩ. Nhưng ông lại là người chịu khó tìm tòi, thử nghiệm cách thể hiện mới, không muốn đi theo lối mòn. Ông rất tâm đắc với tác phẩm “Giấc mơ đẹp” của mình, trung tâm ảnh là 1 thiếu nữ ngồi ngủ trên ghế, hậu cảnh là một vòng xoáy, 1 tấm hình đám cưới hạnh phúc trong vòng xoáy cuộc đời được tạo bởi ý tưởng của người nghệ sĩ. Tác giả muốn gửi đến người xem thông điệp về những vất vả, ghềnh thác cuộc đời con ngươi phải vượt qua để đến được tương lai tươi sáng. Một giấc mơ đẹp một cuộc sống hạnh phúc luôn là cái đích mà ai cũng muốn có được.
Người xem cũng khó lướt qua bức “Nắng sớm vùng cao” của Đỗ Anh Tuấn. Đây là tác phẩm được vẽ bởi ánh sáng. Tiền cảnh là vườn hoa cải sắc mầu quyến rũ, hậu cảnh là cánh rừng nguyên sinh xanh sẫm càng làm nổi bật màu vàng óng. Thấp thoáng phía xa là rặng mộc sa kim (gỗ quý hiếm vùng Việt Bắc) được ánh sáng rọi làm nổi bật chồi non đầy sức sống. Điểm nóng của bức ảnh là 2 vợ chồng người Mông còn trẻ, vóc dáng khỏe mạnh, nét mặt vui vẻ, hạnh phúc. Bức ảnh gợi lên sự ấm áp, hy vọng, một nét đẹp vùng cao và cuộc sống thanh bình.
Khắc Thiện lại tâm đắc với bức ảnh “Ánh mắt trẻ thơ”. Tác phẩm đặc tả đôi mắt 1 em bé dân tộc Rắk Rây (ở Làng Kol Vâng Kia, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Tác giả kể: vô tình lần anh đến làng Kol Vâng Kia chụp cảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc lại thấy có lớp học, trong lớp có khoảng 20 em, em nào cũng quần áo đơn sơ, nhiều em chân đi đất. Trong số đó, anh bị hút bởi một ánh mắt ngây thơ, trong veo, hoang dã của bé trai nhỏ nhất đang ngồi ở góc lớp. Tác phẩm đã phác họa được chân dung em bé dân tộc khỏe khoắn, ánh mắt ngời sáng, thông minh. Anh tâm sự: Mỗi khi nhìn bức ảnh, tôi lại nhớ về bản Kol Vâng Kia nghèo khó, lạc hậu, cằn cỗi nhưng ở đó lại có những tâm hồn trẻ thơ ngời sáng đến vậy.
Nghệ sĩ Việt Hùng lại có cách thể hiện lãng mạn, mang phong cách phương Tây. Tác phẩm “Phố mưa đông” là một ví dụ. Bức ảnh chụp vào buổi sáng sớm trên đoạn đường Đội Cấn (T.P Thái Nguyên). Hàng cây phượng đã trút hết lá, chỉ còn những chiếc cành khẳng khiu vươn trên nền trời trắng bạc mưa phùn. Trong buổi sáng mùa đông đó, 4 phụ nữ đội nón, đạp xe, phía sau đèo những chiếc sọt rỗng, họ trở về nhà khi đã bán hết hàng chuẩn bị từ đêm qua. Bằng lối thể hiện đơn sắc (đen trắng), tác phẩm gợi cho người xem cảm nhận được cái giá lạnh của mùa đông, đề cao sự tần tảo, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ, hiện hữu hàng ngày quanh ta.
Mỗi nghệ sĩ có cách thể hiện riêng, tiếng nói riêng gửi gắm vào tác phẩm. 100 tác phẩm công bố tại triển lãm lần này chỉ là một góc rất nhỏ trong kho tàng tác phẩm họ có được trong quãng đời sáng tác. “Cảm xúc cuộc sống” hy vọng tô điểm cho tâm hồn mỗi chúng ta thêm tươi đẹp.