Cuộc "tổng duyệt" của mỹ thuật trẻ

14:00, 10/12/2011

Festival Mỹ thuật trẻ 2011 - cuộc chơi cho những nghệ sĩ từ 18 đến 35 tuổi do Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sẽ khép lại vào chiều nay (10-12). Sau gần hai tuần trưng bày, hơn 150 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, video art… giúp người xem có cái nhìn cụ thể về những điều lớp trẻ đang làm, đang suy nghĩ, từ đó có hình dung về tương lai của mỹ thuật nước nhà.

Mở ra một giai đoạn khác

 

Đối với những người xem thực sự quan tâm, có lẽ họ phải mất cả ngày ở Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) để chiêm ngưỡng, thật kỹ từng tác phẩm. Đó thật sự là một cuộc tổng duyệt binh của lực lượng sáng tác mỹ thuật trẻ, mở ra một giai đoạn khác của mỹ thuật Việt Nam như lời họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Nghệ thuật nói.

 

Sau bốn năm kể từ lần đầu tiên tổ chức, nghệ thuật đương đại nước ta với những người trẻ tiên phong đã sôi nổi hơn rất nhiều. Các tác phẩm ở đây cho thấy rõ sự chuyển biến về mặt quan niệm nghệ thuật, hình thức thể hiện hướng đến sự tương tác, cởi mở và hội nhập. Nhiều tác phẩm đã gặp trong các triển lãm cá nhân và được giới chuyên môn thẩm định là tốt cũng tham gia festival như: "Nỗi ám ảnh trong lòng thành phố" của Bùi Thanh Tâm; "Đằng sau đời sống xã hội" của Hoàng Duy Vàng…

 

Nổi bật lần này là các tác phẩm sắp đặt, trình diễn và video art. Dù đều đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống như môi trường, con người nhưng hiện rõ những sáng tạo và tư duy mới đáng được biểu dương. "Xẻ" - sắp đặt của Nguyễn Hoàng Việt truyền đến ta cảm giác về nỗi đau đớn của rừng hôm nay và dự báo những điều con người phải gánh chịu sau này. "Tái tạo" - sắp đặt của Trần Tuấn Nghĩa đơn giản được tạo thành từ những thanh thép cũ, nhưng lại có hiệu ứng chuyển động, vững chắc khi nhìn vào. "Trái đất xanh" - video art của Lê Trần Hậu Anh rất công phu và giàu hiệu ứng với hình ảnh quả cầu trong suốt chạy những bức hình về sinh vật biển, núi rừng và con người. Các tác phẩm đồ họa cũng cho thấy cuộc bứt khỏi những khắc gỗ thông thường để thành một tác phẩm sắp đặt: có nội dung và tính giao tiếp cao.

 

Mảng hội họa vẫn có nhiều tác phẩm tham dự nhất (101 tác phẩm) nhưng rất đáng thất vọng. Theo nhận định của họa sĩ Thành Chương, mảng này ít sự bứt phá, sáng tạo. Các tác phẩm đi theo lối mòn, không "chạm" được vào hiện thực đời sống hội họa.

 

Sự cố làm cuộc chơi kém vui

 

Cuộc chơi cho những người làm nghệ thuật trẻ bỗng bị kém vui bởi sự cố tranh "nhái" xảy ra ngay khi festival mới khai mạc vài hôm. Bức tranh "Chờ xử lý" của họa sĩ Đỗ Trung Kiên tham dự quá giống (đến 80-90%) bức "Phượt 2" của họa sĩ Nguyễn Quang Hải (không tham dự) trưng bày tại triển lãm nhân ngày 20-11 vừa qua tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Đáng biểu dương là Hội đồng nghệ thuật, Ban tổ chức đã họp khẩn cấp, lấy ý kiến của các thành viên và liên lạc với cả hai họa sĩ để xác định, xử lý sự việc. Sự sao chép là rõ ràng. Sự việc trở lên nhẹ nhàng hơn khi Đỗ Trung Kiên đã tự làm đơn rút tranh khỏi festival. Nguyễn Quang Hải cũng không định kiện cáo gì. Đương nhiên bức tranh "Chờ xử lý" không có nhuận treo, không được chấm giải và không được in trong kỷ yếu cũng như đăng trên website của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

 

Sự việc được giải quyết nhanh, êm thấm nhưng đã để lại dư vị buồn cho một cuộc chơi đang rất đẹp. Người ta nghĩ nhiều đến thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của mỹ thuật nước nhà, vẫn có những "con sâu" quá đỗi thất vọng. Họ có những hành trang đầy đủ, đang trên đà phát triển, được các cơ quan chức năng tạo điều kiện hết mức, vậy mà vẫn có những hành động không trong sáng.