Đây là một trong những bài hát hay nhất viết về Thủ đô Hà Nội. Chất trữ tình đã hòa quyện nhuần nhuyễn với chất anh hùng ca
Đây là một trong những bài hát hay nhất viết về Thủ đô Hà Nội. Chất trữ tình đã hòa quyện nhuần nhuyễn với chất anh hùng ca
Người dân Hà Nội và cả nước không thể nào quên một trang sử hào hùng của Thủ đô trong 12 ngày đêm chống trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ (tháng 12/1972).
Ai có dịp chứng kiến những ngày tháng đó, hẳn không quên cảm xúc về một Thủ đô hào hùng với những chiếc B52 bị bắn rơi sáng rực bầu trời Hà Nội. Nhưng cảm xúc đến mức thăng hoa như nhạc sĩ Phan Nhân trong bài “Hà Nội - niềm tin và hy vọng” thì hiếm người có được...
Nhạc sĩ Phan Nhân kể lại: “Tháng 12 năm ấy (1972), tôi đang có mặt ở Hà Nội. Trời rét căm căm. Trong tiếng bom nổ rung chuyển là tiếng hô vang của bà con ta: “Cháy rồi! Cháy rồi!”. Người dân Hà Nội khi ấy hả hê, sung sướng lắm. Họ quên cả nguy hiểm, nhô lên khỏi các hầm để hò reo đến khản giọng khi chứng kiến những chiếc pháo đài bay (B52) của giặc bốc cháy.
Tôi và người dân Hà Nội khi ấy trong lòng trào dâng một cảm giác vui sướng, lạc quan trước cuộc đương đầu oai hùng của lực lượng phòng không và không quân của ta. Ngay khi tiếng bom ngưng, máy bay địch rút chạy, thành phố trở lại bình yên, tôi ngồi vào đàn để tấu lên những nốt nhạc đầu tiên: “Ơi, Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ...”. Đó là những nốt nhạc tôi bật ra đầu tiên và phần lời ca cũng tuôn ra khá dễ dàng...”.
Nhạc sĩ Phan Nhân cho biết, ông viết một mạch từ đoạn trên đến hết bài, nhưng sau thấy đó chỉ là đoạn B của bài hát, nên đã viết thêm đoạn A, tức là làm ngược lại thông lệ. Qua đi những xúc động mãnh liệt trong khoảnh khắc chứng kiến Thủ đô oai hùng chiến thắng B52 của giặc, bình tâm trở lại, nhạc sĩ viết đoạn mở đầu của ca khúc: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau...”.
Bằng một tiết tấu khoan thai, tác giả đã cho người nghe cảm nhận vẻ chững chạc, đàng hoàng, ung dung tự tại của một Hà Nội hào hoa, thanh lịch như vốn dĩ có từ ngàn năm. Và cái lâu nay người ta vẫn nói là “Thăng Long phi chiến địa” giờ đây dường như không còn đúng bởi sự hiện diện của những nòng pháo cao xạ, của những tiếng bom rền, những vầng lửa cháy rực bầu trời, những nhà cửa tan hoang, đổ nát và xác những chiếc máy bay rơi. Chính vì vậy, tác giả đã cho âm thanh vút lên âm khu cao ngay ở giữa đoạn A, mà không đợi chuyển sang đoạn B (“Hà Nội đó! Niềm tin yêu hy vọng của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước niềm ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”).
Sang đoạn B, là một Hà Nội hào hùng, bề thế, kiên cường, rắn rỏi, hiên ngang trong chiến đấu và chiến thắng nhưng vẫn nguyên vẹn đó vẻ thanh tao, hào hoa không bao giờ có thể mất. Phan Nhân đã viết những lời ca gan ruột bằng khả năng khái quát hóa rất cao, tạo dựng một tầm vóc xứng đáng cho tác phẩm viết về Thủ đô: “Ơi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long. Ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ”.
Khi viết bài này, Phan Nhân đang ở độ sung sức nhất - 42 tuổi (ông sinh ngày 12/5/1930, quê ở An Giang). Ta thấy rõ bút lực sung mãn của ông đã được bộc rõ trong “Hà Nội - niềm tin và hy vọng”. Có thể nói, đây là một trong những bài hát hay nhất viết về Thủ đô Hà Nội. Chất trữ tình đã hòa quyện nhuần nhuyễn với chất anh hùng ca. Đặc biệt là ca khúc đã tạo nhiều “đất diễn” cho giới ca sĩ bộc lộ tài năng.
Phong cách académique (thính phòng, bác học) rất hợp với yêu cầu biểu diễn của dòng nhạc chính thống, nhưng lại không khô cứng mà vẫn rất mềm mại, trữ tình khiến bài hát trở nên hấp dẫn đối với người hát và người nghe.
Tuy nhiên, người hát thành công nhất, ghi được ấn tượng sâu đậm nhất là cố nghệ sĩ Trần Khánh, công tác tại Đài TNVN. Trần Khánh đã nói về bài hát này: “Lúc tiếp nhận bài hát từ tay nhạc sĩ Phan Nhân, đọc tên bài, rồi nhìn lướt qua âm hình các nốt nhạc, tôi nghĩ bài hát đơn giản, có thể thu thanh ngay được, nhất là biết tác giả vừa viết về sự kiện 12 ngày đêm lịch sử của Hà Nội chiến thắng B52 thì chắc lại hừng hực khí thế sôi động, có khi hô khẩu hiệu nữa đây. Nhưng về nhà đọc kỹ lại thấy anh Phan Nhân viết rất công phu, tác phẩm không rắc rối nhưng rất có ý đồ, rất sâu sắc và phải dày công nghiên cứu, tìm tòi cách hát mới “ra” được đúng “chất” của Phan Nhân, mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Và tôi đã tập đi tập lại rất nhiều lần".
Có lẽ vì thế mà Trần Khánh đã hát bài hát này đến mức không thể hay hơn./.