Chiều 4/12, 61 thí sinh của vòng chung kết cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ II- 2011” đã trải qua một buổi chiều đầy thú vị và nhiều cảm xúc với phần thi tài năng. Thuyết trình, vẽ, múa, hát, cắm hoa, hát chèo, tỉa rau củ, viết thư pháp, võ thuật, thổi đàn môi, têm trầu… trong bất cứ lĩnh vực nào những người đẹp dân tộc cũng thể hiện được sự khéo léo, đảm đang của người con gái Việt Nam…
Phần thi thuyết trình, vốn là phần thi khá khó với những người đẹp, đã có sự tham gia của 4 thí sinh, đều là người dân tộc Kinh: Huỳnh Thị Ngọc Hân (SBD 14) dân tộc Kinh với chủ đề “Áo dài- hồn dân tộc”, Phan Thị Hoài Anh (SBD 02), dân tộc Kinh với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam xưa và nay” và Phạm Thị Minh Nguyệt (SBD 40) với chủ đề “Sức sống”, Đàm Thị Hà Trang (SBD 56) với chủ đề “Bí mật của nụ cười”.
Là thí sinh duy nhất chọn viết thư pháp trong phần thi tài năng, thí sinh Phạm Thị Kim Duyên (SBD 10) đã viết bức thư pháp với hai chữ “Ân tình- Tình dân tộc bất tận” với chữ “” thể hiện hình ảnh của ngọn núi cao, chữ “N” biểu hiện cho dòng suối nguồn bất tận. “Hai chữ “Ân tình” thể hiện ơn của dân tộc, đồng bào to lớn như núi, trải dài như sống.
Có 5 thí sinh chọn cắm hoa cho phần thi tài năng. Thí sinh Nông Thu Hà (SBD 12) dân tộc Tày với chủ đề “Võ Nhai anh hùng” thể hiện lòng tự hào về mảnh đất quê hương Võ Nhai của mình. Thí sinh Đinh Thị Kim Phượng (SBD 47) dân tộc Kinh chọn chủ để “Dáng Việt” bằng loài hoa sen... Cũng chọn hoa sen để cắm hoa, nhưng thí sinh Vũ Trần Triều Thu (SBD 50) lại tạo dáng hình bản đồ Việt Nam bằng chính những bông hoa được chọn là quốc hoa Việt Nam này.
Sầm Xuân Ngọc Ánh tiết mục Taekwondo (phải) và Đặng Thị Thuỳ Dung tiết mục song kiếm
Trong phần thi này, các thí sinh thể hiện sự đa tài của mình qua nhiều phần thi. Thí sinh Bùi Thị Loan với tiết mục “Xuý Vân giả dại”, được đầu tư rất công phu với một người đệm đàn và một người đánh trống. Thí sinh Thòng Coọc Dinh (SBD 06) dân tộc Hoa lại diễn vở kịch “Mẹ ơi, con chưa nói” và Bùi Lê Kim Ngọc (SBD 38), diễn viên cũng quyết định chọn thế mạnh của mình để thể hiện trong phần thi tài năng, Kim Ngọc đã diễn vở kịch “Mẹ”.
Thí sinh SBD 41, Phạm Thị Thanh Tuyền, đến từ Hải Phòng đã chọn vẽ tranh than củi, nét vẽ tinh tế không kém gì một hoạ sĩ. Bức tranh với chủ đề “Hồn Việt” với hình ảnh cây tre và măng non, thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết gắn bó của người Việt Nam. Thí sinh số 49, Nguyễn Phạm Ly Sang chọn ca khúc “Chiều trên bản Thượng”.
Cô gái mảnh mai Sầm Xuân Ngọc Ánh (SBD 03), dân tộc Sán Chay lại gây ngạc nhiên bằng tiết mục võ Taekwondo khỏe khoắn, dẻo dai. Đặng Thị Thuỳ Dung (SBD 07), cũng làm nên bất ngờ trong tiết mục võ cổ truyền “Song kiếm”. Đến từ tỉnh Hoà Bình, thí sinh dân tộc Mường Nguyễn Thị Dương đã chọn “Têm trầu cánh phượng” cho phần thi tài năng. Đây là một phong tục đẹp của người Việt Nam xưa, và dân tộc Mường.
Trưởng BTC Đoàn Thị Kim Hồng cùng 7 thí sinh Tài năng nhất
Rất nhiều thí sinh đã chọn điệu múa quê hương mình để thể hiện trong phần thi tài năng này: SBD 05 H’Ngăc Byă, dân tộc Ê Đê với điệu múa Ê Đê, H Nữ Bdap (SBD 04) dân tộc M’Nông với điệu múa “Hương sắc cao nguyên”. Sơn Thị DuRa, SBD 09, dân tộc Khơ me lại thể hiện ca khúc “Nhớ thương” bằng tiếng Khơ me. Triệu Thị Hà SBD 13, dân tộc Nùng chọn biểu diễn bài dân ca ca ngợi quê hương Cao Bằng “Điệu Nàng ới” bằng tiếng dân tộc với cây đàn tính đặc trưng của dân tộc Nùng. Thí sinh Chương Thị Hoa, SBD 20, dân tộc Mông đã thổi đàn môi rất hay bài “Người Mèo ơn Đảng”.
Kết thúc cuộc thi, BGK đã chọn ra 7 thí sinh thể hiện ấn tượng nhất trong phần thi tài năng. Đó là: Sầm Xuân Ngọc Ánh (Sán Chay), Thòng Cooc Dinh (Hoa), Huỳnh Thị Ngọc Hân (Kinh), Đinh Thị Bích Hậu (Mường), Nguyễn Phạm Ly Sang (Kinh), Phạm Thị Thanh Tuyền (Kinh), Trương Thị Hải Vân (Ba Na). Từ 7 thí sinh này sẽ chọn ra 1 thí sinh để trao giải “Thí sinh tài năng nhất” trong đêm chung kết.