Đầu xuân đi lễ đất trời

17:06, 24/01/2012

Tết không chỉ là thời khắc mọi người cùng nhau quây quần tưởng nhớ đến tổ tiên nguồn cội mà còn là dịp để mọi người đi lễ đầu xuân, cầu mong cho cả gia đình năm mới được mạnh khoẻ, bình an và tràn đầy hạnh phúc.

Những năm gần đây người dân Thái Nguyên có thói quen đi lễ chùa đầu xuân mới. Sau thời khắc giao thừa thiêng liêng, khi những cây hương trầm thơm ngát trên bàn thờ tiên tổ bắt đầu tàn, con cháu lại theo ông bà ra lễ chùa, xin “lộc” may mắn, tươi tốt cho cả năm.

 

Trong tiết trời se se lạnh, lất phất mưa xuân, đất trời giao hòa, mầm cây xanh như chỉ chờ thời khắc này để đâm chồi, nảy lộc. Các đền, chùa đều đã thắp sẵn nến, hương,… mở rộng cánh cửa để đón du khách của lễ Phật. Tiếng chuông chùa trầm trâm ngân vang trong đêm xuân, hòa quyện giữa hơi sương với mùi thơm của khói hương, mùi của các loài hoa, hoa lễ, hoa trồng trong chùa… tạo nên một không khí yên ả, thanh tịnh trong tâm hồn mỗi con người.

 

Đã đi lễ là như lạc vào cõi Phật, cứ thong thả, không vội vàng chen lấn, tinh thần thoải mái, tâm hồn thanh tịnh. Vào cửa thiền thì ai cũng như ai, không kể nam nữ, sang hèn, miễn là thành tâm, thành ý. Đức Phật từ bi, nhân ái, giang rộng vòng tay đón cả những người có thời lầm lỗi quy y.

 

Trên địa bàn thành phố Thái Nguyên những địa danh người dân thường tới cầu an dầu xuân là Đền Xương Rồng; Chùa Phù Liễn: Chùa Đồng Mỗ. Không chỉ người già mà rất nhiều nam thanh, nữ tú lên chùa sau Giao thừa.  Người ta đến chùa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, gia đình bình an, con cháu được sum vầy, vui vẻ chẳng ai đi lễ lại chỉ cầu xin lộc may mắn cho riêng bản thân mình. Bởi thế đồ lễ đâu cần to tát, nhiều nhặn gì, chủ yếu là cái tâm, miễn là có lòng thành hướng về Đức Phật.

 

Thông thường một “mâm” lễ cũng đủ cả hương, hoa, tiền vàng (tiền âm phủ), tiền dương gian, có thêm một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới vạn sự như ý. Lời văn khấn có bài bản, có vần, có điệu, nghe như thơ, như nhạc, vang mãi trong không gian âm u, huyền bí của đình, chùa tạo nên sự linh thiêng, vừa như ảo, vừa như thực. Lễ xong ai cũng nán lại để xin “lộc” nhà chùa dẫu chỉ là một nhánh cây hay vài ba chiếc kẹo…

 

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh mà còn là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Hãy cứ tin rằng, đi lễ đầu xuân trở về tâm hồn ta được thanh thản hơn, hi vọng  cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.