Từ trong Tết, tôi đã nhận được lời mời của các bậc cao niên của làng Tam Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ): - Nhớ mùng 7 Tết về dự hội làng nhé.
Chẳng phải người của làng mà bỗng dưng tôi lại trở nên gắn bó với vùng đất có đa số là bà con người Sán Dìu này đến thế. Tôi thân thuộc cả những ô ruộng vuông vức, những căn nhà nhỏ sạch sẽ, nhà văn hóa mới xây khang trang đầy ắp tiếng hát soong cô, tiếng trẻ nô đùa. Bởi thế, tôi là một trong những người đến đình làng sớm, thắp nén nhang thơm cầu khấn một năm tốt lành cho gia đình, người thân và xóm làng. Và mặc dù chẳng là con dân của làng, tôi vẫn thấy lòng háo hức khi nghe tiếng trống dồn vang, nghe câu chuyện mộc mạc của những người dân quê tạm nghỉ ngơi sau một năm không cho đất nghỉ.
Sáng nay, gần 1.000 dân cư của làng hầu như đủ mặt. Các cụ già vận áo dài lụa, thanh niên khăn len choàng quá gối, trẻ con áo phao đủ màu ấm áp. Các thành viên Câu lạc bộ hát soọng cô đã điểm trang, áo xống từ sáng, 3 mâm lễ được chuẩn bị chu đáo đã được rước đến cổng đình. Đình Tam Thái có vị trí thật đẹp. Bao bọc ngôi đình trên 500 tuổi là 3 cây đa cổ thụ, gốc rễ phong trần thời gian đường bệ dễ đến 5 người ôm quanh thân cây không xuể. Phía trước đình là cánh đồng rộng, xa xa là núi Vương Án Sơn. Đình có thế dựa vững chãi vào núi Cái và núi Voi; hai bên tả - hữu của đình là 2 dải đồi xanh mướt bạch đàn được ví như long chầu, hổ phục. Theo sử sách ghi lại, Đình Tam Thái trước có tên là đình Phú Bình, thuộc thôn Phú Bình, xã Hóa Trung. Đình được xây dựng vào năm Hồng Đức thứ 21 (1490), triều đại Lê, thờ 3 vị thành hoàng có công dẹp giặc Tống đời vua Lý ở Quyết Lỵ, Vạn Nhai, Kim sơn động, Kim sơn hà và Phủ Phú Bình là: Cao sơn quý minh (Phò mã lang Dương Tự Minh); Hồng sơn sinh quân lão gia đại vương, tham tán quân vụ, tước đô giám; Bạch sơn Mạc gia đại vương, sắc phong hầu thiên hộ, đầu lĩnh hầu y binh.
Đình cùng với làng Tam Thái đã trải qua bao thăng trầm lịch sử. Những năm kháng chiến chống Pháp, Đình là nơi hội họp của Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, là nơi mở lớp tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ Việt Minh, tập dân quân tự vệ…Năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, chúng tàn sát dân làng, đốt mái đình cổ thiêng liêng gắn bó với nhân dân bao đời.
Trầm luân nhưng đình Tam Thái chưa bao giờ tắt khói hương thành kính. Chủ nhang hiện nay là ông Lê Duy Sinh cho biết: hàng năm làng duy trì 5 ngày lễ ở đình: Lễ khai xuân, hạ điền, thượng điền, ăn cơm mới, tất niên. Vào những ngày lễ, người nào việc ấy, cùng làm, cùng vui, cùng ăn cơm, uống ruợu. Cây đa cổ thụ, mái đình bình dị đã trở thành một phần của cuộc sống bà con. Ông Sinh tự hào nói: do thánh hiền phù trợ, giáng phúc trừ tai bảo vệ cho cộng đồng mà Tam Thái ngày một hưng thịnh, an lành bình yên.
Niềm tự hào của ông Sinh là có cơ sở vì Tam Thái là xưa là đất học, có đến 18 vị nhà nho văn hay chữ tốt, Tam Thái hiện nay có trên 800 người dân thì có 59 người có bằng đại học trở lên, 45 người có bằng sơ cấp đến cao đẳng; 17 cháu hiện nay đang là sinh viên đại học, bà con đa số là dân tộc Sán Dìu rất nhạy bén với cái mới, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đa số có nhà xây, con cái được học hành, đường làng ngõ xóm bê tông sạch sẽ…
Tiếng trống hội lại vang lên giòn giã, sau khi dâng lễ cầu thành hoàng một năm an phúc đến mọi nhà, trâu khỏe, lợn béo đến mọi chuồng của các gia đình, bà con tản ra cổ vũ cho các sân chơi thể thao, văn nghệ. Trên đám ruộng đã gặt là cuộc thi kéo co, thi đẩy gậy, bắn súng hơi; sân đình đã biến thành nơi biểu diễn văn nghệ. Đội văn nghệ của Chi đoàn thanh niên xóm múa cờ, hát các bài hát mới; mấy chị con gái, con dâu trẻ của làng không biết tập luyện từ bao giờ mà mấy bài tốp ca rất “ăn” nhạc. Rồi món “tủ” soọng-cô lại ngân lên tha thiết…
Trong làn mưa xuân lất phất, tôi rời làng Tam Thái với tâm trạng lâng lâng. Hội làng còn lâu mới kết thúc và dư âm trong lòng người chắc còn lâu hơn nữa.