Gợi mở nhiều hướng đi

10:46, 04/01/2012

Những ngày cuối năm, tạm gác lại bao nỗi lo của cuộc sống thường nhật, cánh làm báo chúng tôi thường có những lúc tĩnh lặng lòng mình để nghĩ suy về một vài vấn đề mình tâm đắc hay đã trải nghiệm năm qua. Với riêng tôi, một trong những điều ấn tượng là con số trên 1,62 triệu lượt khách du lịch đến với Thái Nguyên năm 2011 (trong đó có hơn 36 nghìn lượt khách quốc tế), tăng 15% so với năm 2010…

Bước tiến dài…

 

Ngược dòng thời gian. Cách đây khoảng hơn chục năm, khi còn làm phóng viên theo dõi địa bàn huyện Định Hóa, tôi đã nhiều lần có dịp trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện về vấn đề phát triển du lịch lịch sử trên địa bàn. Hầu hết ai cũng lắc đầu kêu “khó lắm”. Bởi, dù là huyện ATK, ở các xã hầu như đều có điểm di tích cách mạng, lịch sử, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Định Hóa lúc đó lại… chưa có gì, ngay đường vào các điểm di tích cũng rất khó khăn, vừa hẹp vừa rậm rạp, ghập ghềnh, đến người dân địa phương đi lại còn ngại. 

 

Đối với khu du lịch hồ Núi Cốc hồi đó cũng vậy, cơ sở vật chất nghèo nàn, các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chưa phát triển, chưa “hút” được khách. Rồi những địa danh hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, di chỉ khảo cổ học Mái đá Ngườm ở huyện vùng cao Võ Nhai đã mấy người biết đến... 

 

Ngẫm lại mới thấy, du lịch Thái Nguyên chỉ thực sự có bước phát triển nhanh chóng kể từ năm 2005 đến nay, nhờ tỉnh ta nỗ lực thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia về du lịch. Sự chuyển biến rõ nét ấy thể hiện trên nhiều mặt, như về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực du lịch; công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng ATK được triển khai đúng tiến độ. Chúng ta thử nhìn vào một vài kết quả nổi bật: Trong hơn 5 năm qua, số cơ sở lưu trú, nhà hàng thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 15%/năm (hiện toàn tỉnh có khoảng 140 cơ sở, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách từ bình dân đến cao cấp, với công suất phục vụ trên 3.000 lượt khách/ngày đêm). Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong hoạt động kinh doanh du lịch có tốc độ tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có việc phê duyệt và công bố quy hoạch Vùng du lịch hồ Núi Cốc vào tháng 6-2011…

 

Riêng trong năm 2011, lượng du khách đến với Thái Nguyên tăng đáng kể so với những năm trước. Tất nhiên, có một yếu tố tác động cơ bản đến kết quả này: Tỉnh được đăng cai tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - không những là dịp quảng bá, tôn vinh sản phẩm trà, những người làm chè, mà còn là cơ hội tốt để Thái Nguyên phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với các làng chè. Thế nhưng, không thể không nhắc đến những nỗ lực của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và nhân dân các địa phương trong tỉnh cùng góp sức, chung tay làm nên thành công này. Và về lâu dài, những công trình kết cấu hạ tầng - được xã hội hóa đầu tư để phục vụ Liên hoan Trà - sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy lĩnh vực du lịch của tỉnh ngày càng phát triển. Bởi, ngoài những địa chỉ du lịch đã có thì từ nay, ở Thái Nguyên còn có thêm nhiều điểm đến mới lạ, hấp dẫn đối với du khách trong nước, nước ngoài.

 

Tuy nhiên, chúng ta cùng phải thừa nhận rằng để thực hiện được những kế hoạch, dự định về phát triển du lịch Thái Nguyên trong tương lai là việc chẳng hề đơn giản. Vẫn còn đó những khó khăn, hạn chế (do cả chủ quan và khách quan), như: Hệ thống giao thông quốc lộ đến Thái Nguyên đã xuống cấp; nguồn vốn đối ứng của tỉnh đối với các dự án hạ tầng du lịch hạn chế, dẫn đến một số dự án chậm tiến độ; Thái Nguyên còn thiếu những dịch vụ du lịch cao cấp, lượng khách quốc tế đến với tỉnh còn thấp… Vấn đề quan trọng nữa là cách tính, cách làm trong hoạt động du lịch, mà sâu xa nhất chính là không làm ăn theo kiểu “chụp giật”, được đến đâu hay tới đó, không tính toán kỹ lưỡng, hiệu quả cho tương lai gần, tương lai xa.

 

Không nên quá lạc quan…

 

Về những cách làm, việc làm cụ thể, xin nêu lên những ý kiến đóng góp cho du lịch Thái Nguyên từ phía du khách và một số người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. 

 

Tại Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011, khi trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Steffen Dietze, một du khách Đức cho rằng: Các bạn làm du lịch nên chú trọng dựa vào thế mạnh, điều kiện sẵn có của địa phương, trong đó đặc biệt lưu tâm thế mạnh về sản phẩm trà và các vùng trà. Đây là điểm rất khác biệt so với các vùng khác ở Việt Nam… Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - trong cuộc làm việc của Đoàn đại biểu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại tỉnh ta (ngày 22-10-2011) để chuẩn bị cho Liên hoan Trà Quốc tế - đã trao đổi rất nhiều với chúng tôi về vấn đề phát triển du lịch của Thái Nguyên. Đại ý của ông Tổng cục trưởng là: Thái Nguyên không nên quá lạc quan trong lĩnh vực phát triển du lịch. Sau Liên hoan Trà, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề tạo chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, nhất là về trà đặc sản ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và từ lâu đã rất nổi tiếng với sản phẩm này. Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng dịch vụ của hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Quan tâm thu hút khách du lịch nội địa. Quy hoạch chi tiết Vùng du lịch trọng điểm hồ Núi Cốc (có các khu chức năng với quy mô thích hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du lịch tại đây)…

 

Những nhận xét, gợi ý của ông Tổng cục trưởng Du lịch rất “ăn ý” với một số ý kiến khác đóng góp cho lĩnh vực du lịch của tỉnh ta. Cụ thể, các đại biểu dự cuộc làm việc đều nhất trí: Du lịch Thái Nguyên đang thu hút được nhiều sự quan tâm và nhu cầu liên kết để phát triển du lịch giữa Hà Nội và Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh vùng Việt Bắc nói chung, đang trở nên cấp thiết. Thái Nguyên là địa phương hội tụ được nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa tiềm năng và hiệu quả thực tế. Vấn đề đặt ra cho tỉnh lúc này là phải xây dựng được hướng đi phù hợp với thực tế địa phương.

 

Có một phương án được nhiều đại biểu nhắc đến là Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng Việt Bắc phải xây dựng được các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng; nên dựa trên thế mạnh nổi trội của từng tỉnh để xác định các khu, điểm du lịch trọng điểm, từ đó sẽ phối hợp các loại hình du lịch trên các tuyến để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút mạnh du khách. Các tour, tuyến du lịch được gợi ý để liên kết là: Hành trình theo lịch sử dân tộc: Đền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương- ATK Định Hoá - Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Khám phá hồ, đầm trên núi: hồ Thác Bà - đầm Ao Châu - hồ Đại Lải - hồ Núi Cốc - hồ Ba Bể; khám phá hang động: hang Lạng - Chùa Hang - hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà - động Tam Thanh, Nhị Thanh...

 

Những ý kiến trên đây mới chỉ là góp ý, nhưng rõ ràng đã hé mở được nhiều hướng đi tích cực để du lịch Thái Nguyên cũng như du lịch của cả vùng Việt Bắc ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu băn khoăn là làm thế nào để những ý kiến đóng góp này được triển khai trên thực tế, chứ không phải chỉ dừng lại… trên bàn của các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.