Câu đối Hán - Nôm thông thường đã thể hiện cái nét tài hoa, tài tử của người hay chữ. Vậy mà các tiền nhân còn có cách thể hiện câu đối theo lối "nhất tự - nhất họa" - nghĩa là trong một câu đối thì mỗi chữ đan xen với một hình ảnh, bức họa thay vì là câu chữ như bình thường. Cách chơi câu đối độc đáo này đã có ở Vĩnh Long hơn 100 năm và đến nay vẫn còn được gìn giữ, lưu truyền.
Mỗi thể loại câu đối đều có những nét riêng độc đáo, song hầu hết là dùng con chữ để viết ra. Riêng đối với thể loại đối "nhất tự - nhất họa" thì còn độc đáo hơn bội phần, bởi lời câu đối không hoàn toàn thể hiện bằng câu chữ, mà còn có hình ảnh đan xen. Với thể loại đối này không phải bất cứ ai cũng có thể hiểu được nội dung vì hình ảnh trừu tượng. Ví như cặp câu đối ở nhà của ông Nguyễn Bá Dũng, gần chợ Sơn Ðông, thuộc xã Thanh Ðức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Kể từ sau khi ông nội mất (khoảng năm năm nay), ông Dũng không tài nào biết được hai liển đối trong nhà là gì, có nội dung gì. Ðến khi gặp được nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì ông Dũng mới biết đó là câu đối thể hiện theo lối "nhất tự - nhất họa" có nội dung: "Long nhiễu tùng sơn, lân độ kiếm/ Qui trình bích thủy, phụng hàm thư" - nghĩa là: "Rồng bay lượn trên núi, Lân nhã kiếm/ Rùa bơi dưới nước, Phụng (phượng, ngậm thư". Trong đó các "Long", "Lân", "Qui", "Phụng" được thể hiện bằng những bức họa cẩn xà cừ tuyệt đẹp. Cặp câu đối của ông Nguyễn Văn Bửu đang được bày trí tại đình Tân Hoa, TP Vĩnh Long có cùng lối thể hiện như trên: "Trúc nhiễu tùng sơn, Long độ kiếm/ Liên trình bích thủy, Phụng hàm thư" - nghĩa là: "Trúc bọc núi xanh, rồng nhã kiếm/ Sen bày nước biếc, phụng ngậm thư". Câu đối khảm trai (cẩn ốc xà cừ) khoảng thế kỷ thứ 19 đang trang trí ở Minh Hương hội quán, ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, TP Vĩnh Long: "Văn bút ký liên linh mai lộng/ Võ kiếm truyền lân chỉ phượng mao". Mỗi câu đối có bảy chữ thì có đến ba hình ảnh thay thế cho con chữ. Như vậy, ở câu thứ nhất, các ký tự được thể hiện bằng bức họa gồm: "bút" - hình cây bút, "liên" - hình đóa hoa sen, "mai" - hình cây mai. Ở câu đối thứ hai, các từ "kiếm" - hình thanh kiếm, "lân" - hình con lân, "phượng" - hình chim phượng được thể hiện bằng hình ảnh thay cho chữ.
Hầu hết các gia đình còn lưu giữ được những câu đối, hoành phi đều là các gia đình có truyền thống Nho học ở Vĩnh Long. Các cặp liển đối được bày trí trang trọng trong ngôi nhà truyền thống, cổ xưa của người Việt ở Vĩnh Long. Ở nơi đó, không chỉ đơn thuần là trang trí mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho con cháu, các thế hệ mai sau. Chỉ vào hai câu đối "nhất tự - nhất họa" giữa nhà, ông Nguyễn Phú Thuận ở xã Trường An, TP Vĩnh Long cho biết, ngôi nhà truyền thống này được gia tộc lưu giữ hơn 100 năm và các câu đối, hoành phi trong nhà cũng có từ thời cha ông để lại. Vì thế, ông Thuận quyết tâm giữ gìn ngôi nhà nguyên vẹn, vừa làm nơi ở, vừa làm từ đường thờ cúng tổ tiên và giáo dục con cháu. Ông Nguyễn Bá Dũng, nhà ở gần chợ Sơn Ðông cho biết, cặp liển đối "nhất tự - nhất họa" của gia đình có từ thời ông nội ông còn rất trẻ. "Nội tôi nói khi ông lớn lên thì đã nhìn thấy cặp liển đối đó rồi. Ông tôi mất vào năm ông 96 tuổi, cách đây năm năm, đến đời ba tôi và hiện tôi còn lưu giữ, ít nhất cũng 80 năm trở lên. Tuy đôi liển này rất cổ xưa nhưng các bức họa, các con chữ được cẩn xà cừ vẫn còn rất đẹp, tinh tế, chỉ một vài chi tiết nhỏ bị bong tróc. Cặp liển đối này có giá trị tinh thần rất lớn, như giữ lại một di sản văn hóa cổ xưa để các thế hệ con cháu sau này học tập và gìn giữ", ông Dũng nói.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, hầu hết các liển đối còn lưu giữ đến ngày nay, đều được người dân trao tặng cho các đình, chùa, miếu để trang trí, một số còn lưu giữ tại nhà. Giá trị văn hóa, tinh thần của các câu đối được người dân Vĩnh Long lưu truyền từ đời này sang đời khác. Yếu tố thẩm mỹ, tính triết lý thể hiện qua hoành phi, câu đối mang đậm nét hoài cổ của cư dân Vĩnh Long làm cho từng ngôi nhà có phong vị riêng và chứa đựng chiều sâu văn hóa. Ðiều này rất cần được giữ gìn và phát huy góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.