Gặp diễn viên Thúy Hinh nổi tiếng một thời trên sân khấu chèo Thái Nguyên ngày ấy, tôi thấy ấn tượng ngay bởi cô vẫn khá đẹp, một vẻ đẹp mặn mà của người từng trải.
Đặc biệt tôi không khỏi ngạc nhiên khi trong câu chuyện cô kể về sự nghiệp của mình, thỉnh thoảng cô lại cất lên những câu chèo cổ, giọng hát khiến tôi như bị mê hoặc bởi chất giọng của cô vẫn trong và cao lắm.
Trước khi đến gặp cô, tôi đã hỏi qua một số người thân nay đã ngoài lục tuần về diễn viên Thúy Hinh, điều tôi không khỏi bất ngờ là họ vẫn không thể nào quên giọng hát chèo làm say đắm lòng người của cô Thúy Hinh. Bác tôi quê ở Đại Từ còn bảo: Bác mê giọng hát chèo của Thúy Hinh lắm! Ngày xưa, lần nào Đoàn hát chèo Thái Nguyên biểu diễn có cô ấy là bác cũng phải tìm mọi cách mua vé để đến xem. Có lần phải đạp xe hơn chục cây số ấy chứ. Nhớ nhất là Thúy Hinh trong vai “Nàng Xita”, hát hay mà vẻ đẹp cũng thật mê hồn”…
Cô bé Thúy Hinh ngày ấy từ nhỏ đã theo cha (bố Thúy Hinh lúc ấy là Trưởng Rạp hát Bắc Thái) đến rạp và nghe hát. Bẩm sinh có năng khiếu ca hát, lại thêm múa dẻo nên khi 17 tuổi, cô đòi bằng được cha mình cho thi tuyển vào đoàn chèo và đoàn ca múa Quân khu I. Chiều lòng con, cha đã lách cách đạp xe đưa cô đi thi tuyển. Khi biết được kết quả mình đỗ vào cả hai đoàn cô vui lắm và sau đó đã chọn ở đoàn chèo. Cô được một chị trong đoàn dạy hát và nhận thấy cô hát được những e chèo hay (những đoạn ngân trong chèo gọi là e chèo, phải hát được e chèo mới có thể hát chèo hay). Cô vẫn nhớ như in những câu hát chèo đầu tiên trong đời của mình là:
“Hành quân trên đỉnh Trường Sơn
Sao gài mái tóc, mây vờn bước chân
Lời thơ của Bác vang ngân”
Ban đầu, chưa có nhiều vở diễn nên cô tạm thời được phân công nhiệm vụ giữ trẻ cho cán bộ nhân viên trong đoàn chèo. Một lần, cô vừa bế em bé vừa say sưa xem đoàn tập vở, bỗng nhiên bé khóc thét lên làm đạo diễn Trần Hoạt phải ngừng lại. Hỏi ra biết Thúy Hinh là học sinh mới được nhận về đoàn, đạo diễn nói cô hãy thử vào vai cô cháu gái, thể hiện sự phẫn nộ khi ông mình đứng đầu đoàn biểu tình trong vùng địch tạm chiếm bị giặc bắt giữ và tra tấn. Cô diễn thử và lập tức lọt vào mắt xanh đạo diễn, rồi được phân công đóng ngay vai chính Hương thiên lý trong vở diễn cùng tên đó. Và thời gian sau đó, cô liên tục được giao đóng các vai chính ở các vở chèo cổ nổi tiếng như: vai Tấm (trong vở Tấm Cám); Mai (Đôi mắt); Hương (Hương trà)…
Ngày ấy, đoàn chèo Bắc Thái không chỉ biểu diễn tại rạp ở Trung tâm mà còn diễn lưu động ở tất cả các huyện và các tỉnh phía Bắc. Rong ruổi trên những chuyến xe, hóa thân vào các vai diễn, Thúy Hinh thấy thật hạnh phúc vì được mọi người yêu mến, cổ vũ bằng từng tràng pháo tay rộn rã, cô biết và không khỏi tự hào khi thấy những ánh mắt, lời nói và cả cánh thư trao lời yêu thương, ái mộ dành cho mình…
Những năm cuối 1979, đầu 1980, miền Bắc bị ảnh hưởng bởi trào lưu nhạc vàng và cải lương từ miền Nam du nhập nên sân khấu chèo đã từng vắng bóng khán giả. Với quyết tâm đưa chèo trở lại trong lòng công chúng, Thúy Hinh lúc ấy là Trưởng ban chuyên môn chèo cùng lãnh đạo trong đoàn đã quyết định sáng tác và biểu diễn các kịch bản mới, chèo cải biên đã ra đời như thế. Bên cạnh đó, cô cùng các diễn viên thế hệ đầu tiên của đoàn chèo không ngừng truyền thụ chuyên môn cho các thế hệ kế cận. Vở diễn “Cánh chim vượt gió” là tác phẩm chèo cải biên đầu tiên của đoàn, với nội dung ca ngợi bản chất anh hùng cách mạng của chiến sĩ cộng sản sau giải phóng nỗ lực đấu tranh tham nhũng, cửa quyền của chế độ tư bản. Và sau đó là hàng loạt những vở diễn làm nức lòng khán giả như: Nàng Xita, Hoàng hậu Ba tư, Chiếc bóng oan khiên… mà Thúy Hinh luôn là người thủ các vai chính. Những vở chèo ấy diễn đi diễn lại, với giá vé 2 hào mà khán giả vẫn kéo đến chật kín rạp xem. Ở các sân khấu ngoài trời trong những chuyến lưu diễn đêm nào cũng sáng rực ánh đèn măng xông, có người còn cầm đuốc, lội suối, đi bộ hàng chục cây số để đến xem. Sự hâm mộ của khán giả đã tiếp thêm “lửa” cho các diễn viên trong đoàn chèo nói chung và Thúy Hinh nói riêng để họ say sưa cống hiến hết mình cho vở diễn.
Đang sôi nổi kể chuyện, bỗng cô giọng cô Thúy Hinh trầm lắng lại: Ngày ấy, Thái Nguyên chưa tham dự các liên hoan biểu diễn nghệ thuật toàn quốc nên thiệt thòi cho các diễn viên chèo tỉnh nhà nói chung và tôi nói riêng vì không một tấm huy chương, không một giấy chứng nhận là nghệ sĩ hay bảng vàng thành tích ghi nhận sự cống hiến cho nghệ thuật chèo. Tài sản duy nhất của tôi chỉ là những tấm huy chương… trong lòng khán giả. Đó là những đêm diễn chật kín rạp vang dội tiếng vỗ tay, hò hét, cổ vũ của quần chúng. Đó là những món quà giản dị như củ khoai, củ sắn nhưng chan chứa nghĩa tình cho diễn viên của bà con. Và còn cả những bông hoa dại, những lá thư, bài thư chan chứa tình cảm của khán giả dành cho cô sau đêm diễn. Có cả những anh chàng mê mẩn giọng hát và sắc đẹp của “nàng Xita” mà quên ăn, quên ngủ lặng lẽ đi theo đoàn chèo lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh…
Nhận quyết định nghỉ hưu ở đoàn chèo Thái Nguyên năm 1993, Cô Thúy Hinh trở về gia đình, vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Tuy vậy, cô vẫn tích cực tham gia sinh hoạt và được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 4, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) từ năm 1997 đến 2007. Cô trở thành hạt nhân trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham dự các cuộc thi do Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức và đều giành được giải cao.
Hiện cô đang sinh sống tại Thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), là thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Hương hoa Sứ tại Chùa Phù Liễn. CLB này được thành lập năm 2009, gồm 17 người trong độ tuổi từ 52-72 (trong đó có 5 người trước đây làm việc trong đoàn chèo Thái Nguyên) chuyên hát các bài ca ngợi phật tử chúng sinh. Mỗi khi có chương trình gì, cô đều được mời đến dẫn chương trình và ngâm thơ… Ông xã cô Thúy Hinh là chú Đỗ Mạnh Biềng, Thượng tá quân đội về hưu rất yêu thương và tạo mọi điều kiện cho vợ tham gia sinh hoạt. Trong nhà cô lúc nào cũng có sẵn một vali quần áo trang phục biểu diễn. Cô nói có lẽ nghiệp ca hát vẫn rằng buộc cô. Mặc dù không là diễn viên chèo nữa nhưng cô vẫn thường xuyên đứng trên sân khấu biểu diễn văn nghệ và đón nhận sự cổ vũ của khán giả trong phong trào quần chúng…
Trước khi chia tay, cô Thúy Hinh đã nói với tôi những lời gan ruột: Cô rất cảm ơn cháu, một người trẻ thế hệ sau cô vẫn nhớ tới những diễn viên chèo ngày ấy như cô, nhớ đến loại hình nghệ thuật này. Điều cô không khỏi day dứt là chèo Thái Nguyên bây giờ ít người biết đến và quan tâm, nhất là thế hệ trẻ. Chỉ mong rằng thời gian tới, Nhà nước và chính quyền tỉnh nhà quan tâm, đầu tư nhiều hơn để loại hình nghệ thuật này không ngày bị mai một...
Tôi sinh ra khi những ánh hào quang trên sân khấu chèo Thái Nguyên không còn rực rỡ, dưới cơ chế thị trường, tác động của lối sống đô thị hóa đã đưa loại hình nghệ thuật ấy dần ra rời người dân, nhất là với lớp trẻ chúng tôi bây giờ. Vì thế, khi nghe những câu hát chèo và từng lời tâm sự từ đáy lòng cô Thúy Hinh, người đã say mê cống hiến hết mình cho sân khấu chèo Thái Nguyên ngày ấy, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ tới câu thơ của Vũ Đình Liên “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ…?”