Tiễn ông Táo về trời

15:54, 16/01/2012

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, cũng như nhiều địa phương trong cả nước các gia đình ở Thái Nguyên lại tất bật sắm sửa vàng mã, cá chép tiễn nhà Táo về trời.

Hôm nay, trời đã ấm hơn, từ sáng sớm, những chậu cá chép đỏ, vàng xuất hiện ở khắp nơi, tràn từ trong chợ ra ngoài vỉa hè và cùng cả những quang gánh đi rong để miễn sao bán nhanh cho hết.

 

Chị Mai bán cá chép chợ Minh Cầu cho biết: Năm nay khách mua cá chép đỏ nhiều hơn. Loại bé giá 10 ngàn/con,  to hơn một chút 15 ngàn/con, cũng có loại to hẳn giá 20 ngàn đồng, nhưng hút khách vẫn là loại 10 ngàn. Vào ngày này nhà nào cũng mua đồ tiễn ông Táo nên giá các mặt hàng đưa tiễn Táo chầu trời cũng nhích lên. Ngày thường một cơi trầu có giá 2 đến 3 ngàn thì ngày 23 giá một cơi trầu đã lên tới 5 ngàn. Hoa quả cũng theo đó mà tăng lên một chút. Bình thường 2 đến ba ngàn một bông hồng thì hôm nay giá một bông hồng đã lên tới 5 ngàn đồng…

 

Nắm bắt được nhu cầu thị trường nên các quầy bán hàng rau, thịt thường ngày hôm nay bày thêm chậu cá chém nhỏ, buồng cau và ít lá trầu phục vụ các bà nội trợ. Nhộn nhịp nhất là chợt Thái. Phía dưới tầng hầm, nơi chuyên bán hàng mã đã tấp nập từ nhiều hôm trước. Năm nào cũng  thế, bộ đồ cúng nhà Táo gồm quần áo, mũ mã… luôn vô cùng đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Giá mỗi năm mỗi nhích lên chút ít. Năm nay, bộ cỡ lớn có giá từ 80 - 100.000 nghìn đồng, loại nhỏ là 70 - 90.000 nghìn đồng.

 

Ngoài vàng mã, cá chép là những thứ không thể thiếu trong lễ cũng ông Táo, nhiều gia đình còn cầu kỳ mua thêm xôi đỏ, gà hoặc thịt lợn, cùng dăm bảy loại quả, hoa lễ nữa cho mâm cúng thêm đầy đặn. Để làm được mâm cỗ cúng như thế, tính sơ cũng hết đến vài trăm ngàn đồng.

 

Ngày 23 ông Táo sẽ về trời báo cáo với Ngọc Hoàng một năm hoạt động của gia chủ nên nhiều người cố gắng tranh thủ mua sắm cho mâm cỗ nhiều thứ lễ. Tuy nhiên, cũng có gia đình không mua cá sống về cúng mà mua cá giấy cho giản tiện. Ông Hoàng Văn Ngọc ở Tổ 11, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên cho biết: Mấy năm nay gia đình tôi không cúng cá sống nữa, mua cá sống về cúng lại phải ra cầu Gia Bẩy thả, mà thả đầu này thấy người ta giăng lưới hớt cá đầu kia thì ông Táo nào cưỡi cá chép được. Cứ tiễn ông Táo bằng cá giấy, cúng xong đem đốt, thành tâm là chính.

 

Nhiều gia đình trong ngày 23 đã tranh thủ mua đồ lễ cúng ông Táo từ sáng để cuối ngày đỡ phải bận rộn. Đối với người dân trong thành phố, đa phần khi mua cá sống cúng xong đều mang ra cầu Gia Bảy để thả với quan niệm thả vào nơi thật nhiều nước để cá có thể bơi đi xa. Nhưng không ít người dân thiếu ý thức nên sau khi thả cá đã vứt nguyên cả túi li nông đựng cá, thậm chí cả tro sau khi đốt mã  làm bẩn cả một khúc sông Cầu.

 

Tiễn ông Táo về trời là một phong tục đẹp của người Việt, tuy nhiên để phong tục ấy thật sự trở thành nét văn hóa đẹp thì phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Mong sao năm nay sông Cầu không phải oằn mình cõng thêm túi bóng trong ngày ông Táo về trời.