Trong ngôi nhà sàn rộng trên 70m2, tất cả làm bằng gỗ màu vàng sậm, láng bóng, lợp bằng lá, bên cạnh những vách đan liếp hoa màu xanh xen trắng giữ theo đúng bản sắc văn hóa Tày tại xóm Đồng Mon (xã Trung Hội, huyện Định Hóa), gia chủ là anh Nguyễn Minh Sơn tiếp chúng tôi trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ngoài đặc trưng là những máng nước, chúng tôi quan sát và thấy giữa nhà bày trí khu thờ tự tổ tiên của gia đình, cạnh đó, từng chồng sách cổ viết bằng tiếng Tày được xếp đặt gọn gàng, ngay ngắn…
Theo tìm hiểu của anh Sơn, trong các tư liệu cũ về Then được người cao tuổi truyền lại thì từ thời nhà Mạc xóm Đồng Mon có tên gọi là bản Then vì trong xóm có nhiều thầy Then. Trung tâm xóm được xây dựng ngôi đình để thờ Quý Minh Đại vương (Dương Tự Minh). Trong chiến tranh, ngôi đình và cây thông đã bị thực dân Pháp đốt phá chỉ còn lại phần nền. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm thầy Then (anh Sơn là thế hệ thứ 10 trong dòng họ), rồi kế nghiệp ông, anh không chỉ hy vọng mình sẽ giữ nghề truyền thống của gia đình mà còn ước mong sẽ đóng góp công sức nhỏ bé gìn giữ được nét đẹp văn hóa này trong cộng đồng người Tày ở quê hương mình.
Anh kể, những năm chiến tranh loạn lạc, cha anh không có điều kiện làm nghề thầy Then, trước lúc mất, ông để lại cho anh tủ sách gia truyền về Then thời các cụ và căn dặn anh phải nối nghiệp dòng họ làm thầy Then. Thực hiện nguyện ước của cha, từ năm 1995, anh bắt đầu học và tìm hiểu về Then, phấn đấu trở thành thầy Then qua những cuốn sách Nôm Tày đó. Anh có một đam mê là tìm tòi, nghiên cứu các loại sách liên quan đến Then. Để làm phong phú kho tư liệu về Then, anh đã đi khắp trong và ngoài huyện tìm gặp những người biết về Then cổ để tập hợp tư liệu. Trong người anh lúc nào cũng thường trực cây bút, cuốn sổ và một chiếc máy ghi âm ghi lại lời hát, lời kể của các thầy Then. Là một thầy giáo đang dạy tại Trường Tiểu học Bộc Nhiêu, ngoài thời gian lên lớp, anh vẫn dành thời gian nghe lại cuốn băng ghi âm và dịch tiếng Nôm Tày sang tiếng phổ thông. Điều gì chưa tường tận, anh lại tìm gặp những người am hiểu chữ Nôm Tày cổ nhờ dịch hộ, trong số đó có thầy Nguyễn Đình Nguyệt. Gặp thầy là gặp cả một pho sách sống động về văn hóa Then với các làn điệu hát và những câu chuyện cổ tích của người Tày xưa. Mỗi dịp 2 thầy trò gặp nhau trong ngôi nhà sàn nằm giữa núi rừng tại xóm Na Mẩy, xã Yên Trạch của thầy Nguyệt là họ lại say sưa mạn đàm về Then.
Trên 26 năm cặm cụi nghiên cứu, ghi chép, trong nhà anh đang có một “kho báu” lớn sách viết về Then bằng chữ Nôm Tày và rất nhiều những tổng hợp, đánh giá, ghi chép riêng của anh bằng tiếng phổ thông trong quá trình tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Anh tâm sự: Là giáo viên nên anh có nhiều điều kiện để tìm hiểu về hoạt động mang tín ngưỡng dân gian này cũng như “truyền lửa” cho học sinh của mình, nhất là học sinh dân tộc Tày biết về văn hóa Then, có thể hát được những câu hát then quen thuộc và hiểu về tín ngưỡng này. Thực tế, hát Then thì không ít người biết, nhưng so với những người Tày thì số lượng đó quả thực nhỏ bé.
Anh Sơn trò chuyện rất cởi mở với chúng tôi về niềm vui vừa được trải qua nghi lễ cấp sắc để trở thành thầy Then. Anh đang là thầy Then giữ cấp bậc Tòng cửu phẩm (thầy Then có tất cả 9 bậc, cấp Tòng nhất phẩm là cao nhất). Với anh, đó vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao để có thể “giữ lửa” văn hóa Then và nhân rộng nó trong cộng đồng. Với người Tày, để trở thành thầy Then phải thuộc tất cả các bài hát Then và điệu đàn tính của dân tộc, đồng thời cũng phải biết khấn, làm lễ, múa các động tác diễn tả những mong muốn của người dân chuyển đến thần linh. Nội dung câu hát Then nhằm cầu cho người dân khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, bình an, con cái ngoan ngoãn, mùa màng tốt tươi…
Anh Sơn cho biết: Then là hoạt động mang tín ngưỡng dân gian của người Tày. Thầy Then là người giữ vai trò chủ đạo trong lễ Then. Làm nghề thầy Then không giống như thầy cúng mang những hủ tục lạc hậu, mê tín đị đoan mà là người đứng ra thực hiện các nghi lễ cổ truyền mang tín ngưỡng tâm linh nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa người Tày. Bởi lẽ, trước đây, Then đã sinh ra để phục vụ cuộc sống lao động của con người. Khi lên nương rẫy lao động, người ta hát Then để cổ vũ tinh thần lao động, giúp con người quên đi mệt mỏi. Thông qua các làn điệu then, người dân muốn truyền tải mong ước của mình đến thần linh, cầu mong an lành, mạnh khỏe… Những ngày cận kề Tết như thế này, công việc thầy Then của anh càng bận rộn hơn. Hầu như hôm nào anh cũng đi làm lễ Then cầu bình an, giải hạn, cầu mùa màng tốt tươi cho các gia đình trong xã.
Ngoài công việc bận rộn của một giáo viên và thầy Then, anh Sơn còn đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật hát Then ATK (thuộc Chi hội Nghệ thuật ATK Định Hóa) và CLB hát Then của tỉnh. Hàng tháng, CLB Nghệ thuật hát Then ATK đều tổ chức sinh hoạt trong ngôi nhà sàn của vợ chồng anh. Mỗi buổi sinh hoạt, họ ngồi quây quần trong nhà sàn, cùng đàn, hát, xóc nhạc, có cả múa phụ họa. Tiếng hát Then, đàn tính đã thu hút bà con quanh vùng kéo đến xem, cổ vũ đông đảo làm cho không khí buổi sinh hoạt của CLB càng thêm phần sôi nổi. Điều đặc biệt là cháu Nguyễn Thành Đông, cháu ruột anh mới 6 tuổi nhưng đã biết hát Then từ lúc 4 tuổi. Khi các bác đàn hát, Đông hào hứng ngồi nghe và lẩm bẩm hát theo.
Ngồi trong ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa người Tày, giữa tiếng đàn tính, xóc nhạc, điệu múa then cổ, giọng hát đắm say của các nghệ nhân tôi thầm nguyện cầu cho những nét văn hóa đặc sắc của người Tày sẽ ngày càng được phong phú hơn đời sống tinh thần của các dân tộc Việt Nam…