Cứ 3 năm một lần, vào đầu xuân người Dao ở Đồng Cuồm (xã Thạch Sơn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) lại tổ chức “Hội Cầu may”. Khi hoa đào, hoa mận đã nở trắng rừng, mọi người trong bản đi chơi xuân, thăm hỏi bạn bè và uống rượu mừng đám cưới, nhưng không ai quên được hội cầu may.
Bản người Dao Đồng Cuồm nằm cách trung tâm huyện chừng 50km về phía Bắc. Đây cũng là bản xa, hẻo lánh nhất của huyện vùng cao Sơn Động, nằm giáp với huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đường đi lối lại ở đây còn rất nhiều khó khăn, đời sống của đồng bào còn nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng người Dao ở Đồng Cuồm vẫn luôn giữ gìn và duy trì được sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình.
Khi mùa xuân đến cũng là thời điểm thích hợp để tổ chức hội cầu may (ngày này không ấn định cụ thể, có thể thay đổi theo từng năm).
Gần đến ngày, Già bản và Trưởng bản thành lập Ban tổ chức hội, từ đó không khí trong bản vui vẻ, nhộn nhịp hẳn lên, các gia đình sửa soạn nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, vệ sinh sân ngõ để đón bạn hội. Kèm theo đó là tiếng kèn gọi bạn vang động cả vùng thung lũng Đồng Cuồm.
Những chàng trai, cô gái người Dao rủ nhau đi chợ phiên để thông báo cho bạn bè gần xa biết bản mình tổ chức hội. Họ chuẩn bị cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, say mê tập luyện các bài hát đối đáp, có những buổi tập say sưa thâu đêm đến sáng.
Thời gian tổ chức hội đã đến, mọi gia đình trong bản cùng nhau đóng góp vật chất như: thực phẩm, rượu, tiền cho bản làng theo điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Hội Cầu may mang ý nghĩa cầu cho đời sống của dân bản được may mắn, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; con người gặp nhiều điều may mắn, trẻ em mang được nhiều “cái chữ” về bản; con vật đi ăn xa biết tìm về lối cũ, mỗi ngày càng sinh sôi nảy nở lên nhiều.
Lễ Cầu may được tổ chức trong 10 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau với các nghi thức: Cúng cầu may, hát đối đáp tập thể nam nữ, hát đối một nam một nữ, thi “Tiếng kèn gọi bạn” và một số trò chơi khác.
Trong ngày hội, dân bản mời 3 thầy cúng về, lần lượt làm các nhiệm vụ riêng của mình. Một thầy gọi Ngọc Hoàng để chứng giám, một thầy gọi thần đất chứng giám, một thầy nhảy múa có thợ kèn, trống và các thanh niên nam của bản múa phụ họa theo, diễn ra ở trong nhà già bản. Các thấy cúng cùng cầu mong trời đất làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cầu cho thôn bản bình an, dân khang vật thịnh, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngoài sân là nam nữ thanh niên ở các huyện bạn, tỉnh bạn hội tụ kết thành hai tốp: tốp nam và tốp nữ, họ hát đối đáp, mỗi bên tìm cho tốp mình một người lớn tuổi có hiểu biết về hát và giải được các câu hát đối, cứ như vậy cho đến khuya. Những đôi nam nữ hợp giọng nhau sẽ tách ra để hát đối, họ hát say sưa trên các bờ suối, sườn đồi; những tiếng hát, tiếng kèn hòa quyện tạo thành bản hòa tấu tràn đầy sức sống.
Thông qua hội cầu may mà nam nữ có dịp làm quen với nhiều bạn bè, nhiều đôi cũng qua lễ hội này mà nên vợ nên chồng.
Khi các bài hát, điệu nhảy, tiếng kèn chấm dứt thì cũng là lúc trời đã sáng. Ban tổ chức sắp xôi, thịt, rượu ra từng mâm, già bản có lời mời toàn bộ những ai có mặt ở hội cạn một chén mừng cho bản gặp nhiều may mắn. Họ chúc nhau cùng may và hẹn cùng nhau đón hội cầu may ở những năm sau.