Mỗi dịp xuân về, nhiều làng quê lại nô nức vào hội. Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng cũng không ngoại lệ.
Hàng trăm năm qua, người dân nơi đây duy trì một lễ hội đặc sắc - Hội rước bánh dầy ngày mùng Ba Tết Nguyên đán để tưởng nhớ công ơn của vị Thái phó Thiếu khanh thời nhà Lê, thế kỷ XV có công giúp dân mở làng, lập ấp. Để phục vụ lễ hội, hàng nghìn người khỏe mạnh được huy động làm bánh dầy và các hoạt động tế, rước lễ khiến ngày xuân thêm rộn rã.
Công phu bánh dầy dâng Thánh
Rạng sáng mùng Hai Tết, tiếng nhạc lễ hội đã vang lên, người người, nhà nhà gọi nhau ra nhà Canh Điền chuẩn bị đồ xôi, giã bánh dầy. Dù nửa đêm, mưa xuân rét ngọt nhưng nhà nào cũng cắt cử người dậy sớm, đến hội đúng giờ.
Ông Nguyễn Văn Canh, người miền Đồng Tâm là thành viên Ban Tổ chức lễ hội rước bánh dầy Tết Nhâm Thìn vui vẻ cho biết: "Mặc dù mùng Ba Tết mới chính hội, nhưng từ 25 tháng Chạp, lễ hội đã được khởi động với lễ rước bát nhang từ chùa Già Lê về nhà Canh Điền - nơi diễn ra các công đoạn làm bánh và tế lễ. Đúng giờ Ngọ ngày hôm đó, các bô lão, cùng thanh niên trai tráng trong làng thực hiện nghi lễ rước nước. Những chiếc thuyền rồng chở đoàn người ra giữa sông Hồng lấy nước đựng đầy 3 chóe lớn rước về nhà Canh Điền để tế lễ và làm bánh. Người ta cho rằng, lấy nước giữa dòng sông Hồng thì bánh mới tinh khiết và thơm ngon. Những ngày tiếp theo, làng tập trung vào công việc chọn gạo và duy trì việc thờ cúng. Từ mùng Một Tết, nhà Canh Điền đã đón hàng trăm người tới, mỗi người mỗi việc. Tối mùng Một, gạo được ngâm nước để tinh mơ sáng mùng Hai đồ chín, chuyển sang cho những chàng trai khỏe mạnh, gia đình nền nếp, năm đó không vướng "bụi" thay nhau giã. Bà Nguyễn Thị Mùi, một người dân trong làng cho biết, mùng Hai Tết, bà dậy từ 2 giờ sáng, tới nhà Canh Điền, cùng các chị em khác vo gạo, thổi xôi để kịp 4 giờ sáng giao cho thanh niên trai tráng giã mẻ bánh đầu tiên. Quá trình giã bánh không được gián đoạn, phải làm ngay lúc xôi còn nóng hổi. Khi xôi đã nhuyễn, các cụ, các ông sẽ dùng tay đưa từng chiếc bánh tròn trịa vào từng "đĩa" lá chuối nhỏ.
Sum vầy tình làng nghĩa xóm
Sáng sớm ngày mùng Ba Tết, sau phần lễ dâng hương tưởng niệm công ơn của vị quan Thái phó tại nhà Canh Điền là phần rước bánh về chùa Già Lê - nơi thờ cúng ngài. Cùng với không khí xuân tưng bừng, lễ hội rước bánh dầy khiến làng quê nhỏ bé ven sông Hồng trở nên nhộn nhịp lạ kỳ. Người tham gia lễ hội đông tới hàng nghìn, các vãi tay mang cờ phướn, các đội kiệu thờ, kiệu bánh dầy được xếp thứ tự… tiến về chùa trong tiếng nhạc hội vui nhộn, tiếng cười nói râm ran, rộn rã của đoàn người đi trẩy hội kéo dài cả vài trăm mét dọc triền đê sông Hồng. Vui nhất là những cô bé, cậu bé xúng xính quần áo mới chạy quanh để xem rước và được ông bà kể cho nghe về tục làm bánh dầy của làng… Chung vui cùng đoàn người đi trẩy hội, ông Phạm Quang Viễn, người dân làng Bá Dương Nội cho biết, không chỉ đông đảo các bậc cao niên, thanh niên, nam, nữ trong xã tham gia mà còn có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bánh dầy sau khi lễ được rước về nhà Canh Điền để chia lộc cho dân làng. Cũng theo quan niệm của người dân làng Bá Dương Nội thì "một miếng lộc thánh bằng cả gánh lộc trần" bởi vậy mà thưởng thức bánh dầy sau khi dâng lễ trở thành niềm vinh dự, tự hào và khát khao của người dân trong làng.
Điều quý hơn trong lễ hội rước bánh dầy làng Bá Dương Nội là đã thể hiện nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước và tinh thần đoàn kết làng xóm. Gạo làm bánh phải do chính tay người làng một nắng hai sương làm ra. Hội rước bánh dầy làng Bá Dương Nội được 5 miền trong làng: Tâm Tỉnh, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Liên Hợp và Hồng Giang luân phiên đăng cai. Miền nào đăng cai lễ hội năm đó sẽ phụ trách việc chọn người, phân chia công việc để làm ra gần 5.000 chiếc bánh dầy thơm ngon nhất dâng quan Thái phó. Như vậy, từ vụ lúa mùa, miền đăng cai phải chuẩn bị đủ hơn 700kg gạo nếp cái hoa vàng, được các bà, các chị chọn lựa kỹ càng, hạt đều tăm tắp.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tục giã, rước bánh dầy làng Bá Dương Nội vẫn được lưu truyền như một nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội là niềm tự hào, tượng trưng cho sự phồn thịnh ấm no của dân làng để giáo dục cháu con làm việc thiện, chung sức xây dựng quê hương. Điều quan trọng là lễ hội còn tạo mối đoàn kết, chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư tương trợ cho nhau…