Hỡi ai đi ngược về xuôi/Nhớ về dự hội mồng mười tháng Giêng, nghe những người dân làng Thanh Trà (Sơn Cẩm, Phú Lương) dặn dò, chúng tôi háo hức tìm về dự hội vào đúng ngày mồng mười tháng Giêng.
Trong phơi phới mưa Xuân, chúng tôi hòa vào dòng người đi trảy hội, đến trước sân đình - nơi sẽ diễn ra các hoạt động của lễ hội. Đình làng Thanh Trà thờ thành hoàng làng và Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần Dương Tự Minh. Đình nằm ngay trung tâm xóm, dựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng bao la, hai bên tả hữu là 2 dòng sông Cầu và dòng sông Đu uốn lượn như vòng tay ôm trọn cả làng. Hai dòng sông gặp nhau phía cuối xóm tạo thành ngã ba sông rồi theo con sông Cầu chảy dọc các tỉnh miền xuôi. Cũng nhờ có tới 2 con sông chảy qua nên nguồn nước để phục vụ sản xuất ở đây rất dồi dào, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế.
Bà Đặng Thị Xuân, Trưởng xóm Thanh Trà cho biết: Xóm có 154 hộ với gần 650 khẩu, đời sống nhân dân chủ yếu là trông vào sản xuất lúa và thâm canh chè. Toàn xóm có 18ha lúa và khoảng 15ha chè, những năm gần đây, bà con đã rất tích cực trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do vậy năng suất lúa và sản lượng chè ngày càng tăng cao, năm 2011, năng suất lúa của xóm đạt gần 56 tạ/ha, cao hơn bình quân chung của toàn huyện, riêng về sản xuất chè, hiện toàn xóm có 30% diện tích là các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao, nhờ thuận lợi về nguồn nước tưới nên gần 50% diện tích cho thu hoạch thêm vụ Đông, nâng tổng số lứa lên 8 lứa/năm. Qua đó, đời sống bà con ngày càng được cải thiện, hiện xóm chỉ còn 11 hộ nghèo.
Theo người dân trong xóm thì, có được sự phát triển như vậy là do đức thành hoàng làng đã phù hộ cho cuộc sống dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi. Vì thế, dân làng cần phải thành tâm cảm tạ công lao của thành hoàng, lễ hội đình đầu Xuân mới là dịp để dân làng tế lễ cảm tạ, đồng thời cầu ngài tiếp tục phù hộ cho bà con có một cuộc sống ngày càng hạnh phúc, sung túc. Lễ tế thần là cả con lợn, ngoài ra còn thêm xôi oản, tất cả được để vào 4 chiếc mâm bồng, sau đó được những người có uy tín trong làng đội lễ dâng lên 4 ban là: Ban thượng, ban hạ, ban tả, ban hữu. Ông Lý Kim Thành - một người dân gốc ở đây cho biết: Đình làng Thanh Trà đã có truyền thống gần 1.000 năm, từ nhỏ đến giờ dù đi bất cứ đâu, cứ ngày này tôi đều về dự hội làng. Hội làng từ xưa tới nay vẫn được tổ chức như vậy, ngày hội, từ sáng sớm các cụ cao niên đã khăn áo xênh xang đến đình dâng lễ, sau khi khấn vái, các cụ thụ lộc ngay tại đình. Phần hội được tổ chức ngay sau lễ tế thần với các môn thi đấu như: Cờ người, kéo co, đẩy gậy, ném còn… và đặc biệt không thể thiếu là môn vật truyền thống.
Đấu vật là một nét rất riêng của hội đình làng Thanh Trà được tổ chức thành truyền thống từ bao đời nay. Bất cứ ai cũng có thể tham gia thi đấu, bất kể là người trong làng, ngoài làng, khách thập phương đến vui hội… Sân đấu vật được bố trí ở chính giữa sân trước cửa đình, đây cũng là phần thu hút đông người đến xem nhất, giải đấu vật vẫn được tổ chức sau các môn khác, thường thì đến gần trưa mới khai mạc. Sau 3 hồi trống dồn vang báo hiệu giải đấu vật bắt đầu, các đấu thủ đã tập hợp trước cửa đình chuẩn bị thi đấu, người xem dồn bước về vây kín cái vạch vòng tròn của sân đấu vỗ tay hò reo làm náo nhiệt cả sân đình. Trước mỗi trận đấu, các đấu thủ đều phải xe đài, hành lễ vái thánh để tỏ sự thành kính. Giải đấu vật năm nào cũng kéo dài đến hết ngày, kết thúc giải đấu vật là hội tan, bà con ra về bắt đầu một năm lao động sản xuất mới với nhiều hy vọng mới.
Ông Phạm Đình Tân, Chủ nhang Đình cho biết: Đình làng là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của mỗi người dân, là nơi sinh hoạt của cộng đồng, mọi hoạt động của làng đều được tổ chức ở đình. Lễ hội Đình làng ngoài việc mang ý nghĩa tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm, còn là dịp để bà con trong làng vui Xuân thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao… Ngoài đại lễ vào mồng mười tháng Giêng, Đình còn tổ chức lễ thần vào rằm Trung Thu, mồng mười tháng mười và đến rằm tháng Chạp là Đình sắp lễ vái thánh đóng cửa Đình, báo một năm kết thúc.