Đến hẹn lại lên, đã thành thông lệ, ngay sau những ngày vui Tết đón Xuân, đồng bào các dân tộc Tày, Sán Chay và dân tộc Dao ở huyện Định Hoá lại tưng bừng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng…
Lễ hội Lồng Tồng hay còn được gọi là Lễ hội xuống đồng để tạ ơn đất, trời, các vị thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành, đồng thời cầu xin các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.
Ngày khai Hội, Thủ đô gió ngàn vẫn chìm trong giá rét, song sự khắc nghiệt của thời tiết không thể ngăn được bước chân của hàng nghìn người đang nô nức đổ về Sân vận động thôn Đèo De, xã Phú Đình tham gia Lễ hội. Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường đã rộn tiếng nói cười của dòng người đi trảy hội. Những thiếu nữ dân tộc Tày xinh xắn trong bộ trang phục truyền thống tuy không nhiều hoạ tiết nhưng vẫn tôn lên được vẻ đẹp đằm thắm. Khác với vẻ nền nã của trang phục dân tộc Tày, những bộ trang phục với nhiều màu sắc rực rỡ cùng, nhiều hoạ tiết cầu kỳ được tạo lên bởi bàn tay khéo của người phụ nữ dân tộc Sán Chay và dân tộc Dao lại như những đoá hoa tô điểm cho rừng người tham gia Lễ hội.
Tham dự Lễ hội lần này có 32 đơn vị đến từ 24 xã, thị trấn và các đơn vị đại diện cho các cơ quan, ban ngành, các trường học đóng chân trên địa bàn huyện. Trong suốt 3 ngày phần Lễ và phần Hội được tổ chức đan xen tạo ra bầu không khí hồ hởi, náo nhiệt, cuốn hút du khách thập phương về trảy hội. Trong chiều ngày mùng 9, tại Sân vận động Đèo De đã diễn ra Hội thi cắm trại. Những chiếc lều vải đủ màu sắc đã được dựng lên, làm thay đồi cảnh sắc cả một vùng. Các thành viên của mỗi trại đã bài trí khuôn viên trại của mình thật sinh động, bắt mắt, làm nổi bật nên nét đặc trưng riêng có của đơn vị mình…. Ngay sau phần thi cắm trại là phần thi kéo co, thi giã bánh dày. Các vận động viên đã thi đấu trong tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên và du khách thập phương.
Bóng chiều bảng lảng chìm dần trong những cột khói trắng bay trên những mái bếp xa xa. Khác với vẻ yên ả của một buổi tối thông thường nơi xóm núi, không gian tại Sân khấu ở sân vận động Phú Đình trở lên vô cùng sôi động khi cuộc thi trang phục dân tộc của các thí sinh đến từ các đơn vị tham gia Lễ hội được bắt đầu. Màn đêm buông xuống, hội lửa trại đã xua tan giá lạnh. Bên ánh lửa bập bùng, từng đôi nam thanh nữ tú tay trong tay dập dìu trong tiếng hát và nhịp gõ đều đặn của điệu múa sạp say đắm lòng người.
Ngày mùng 10 tháng Giêng, chính thức Khai Hội. Đúng 8 giờ sáng, Đoàn đại biểu đại diện cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái nguyên do đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo huyện Định Hoá đã trang trọng thực hiện nghi lễ dâng hương, báo công với Bác Hồ kính yêu tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đỉnh đèo De, xã Phú Đình, mảnh đất linh thiêng nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng và nhiều cơ quan của Trung ương từng sống và làm việc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trước Anh linh của Người, thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa, đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện đã báo công và hứa với Bác sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Định Hóa ngày càng giàu đẹp.
Ngay sau lễ dâng hương, Lễ hội Lồng Tồng chính thức được khai mạc. Già làng Ma Dình Được, 71 tuổi ở thôn Đông Hoàng, xã Phú Đình là người được kính trọng và có uy tín bậc nhất trong làng giơ cánh tay rắn chắc đánh tiếng trống khai hội ròn rã, vang vọng vào không gian, cùng với đó là màn trống hội giục giã như thúc giục, mời gọi mọi người về tham gia Lễ hội của các em học sinh Trường THPT Bình Yên. Già làng Ma Đình Được phấn khởi chia chia sẻ với chúng tôi: “Đây là năm Lễ hội được tổ chức quy mô và cũng thu hút được nhiều du khách thập phương nhất từ trước tới nay”.
Cầu cho mùa màng bội thu
Du khách thập phương đã được chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng, lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao. Các Pú mo (hay còn gọi là thầy cúng) trong trang phục sặc sỡ đã dâng lên 9 mâm lễ được chuẩn bị công phu với đủ ngũ sắc, hương vị... tượng trưng cho trời, đất, muông thú. Đồng bào dân tộc nơi đây quan niệm, đó là thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với các đấng linh thiêng. Trên mâm cúng có gà trống luộc, thịt lợn nạc, trứng gà luộc, xôi ngũ sắc. Xôi đỏ tượng trưng cho mặt trời, xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, một chú chim én mang theo biểu tượng của mùa xuân được làm bằng giấy đỏ. Lễ hội xuống đồng là lễ hội gắn liền với nhà nông và với nhà nông thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên trên nhiều mâm cỗ cúng, lễ vật còn có cả hình ảnh những chú trâu ung dung nằm nghỉ sau những giờ lao động mệt nhọc. Những bông lúa vàng thể hiện mong ước mùa màng bội thu, đôi cá vàng để gửi gắm ước mơ về sự no ấm, sinh sôi nảy nở, phồn thực, cuộc sống an lành. Cùng với đó là các loại bánh được làm từ lúa, ngô như bánh chè lam, bỏng gạo. Các mâm lễ lần lượt được đưa ra để bắt đầu cho nghi lễ cầu mùa. Lúc này thầy mo thực hiện mọi nghi thức tâm linh như vái lạy trời đất, cảm tạ thần linh, nguyện cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...
Phần Lễ kết thúc, các đại biểu tham dự buổi Lễ cùng đông đảo bà con và du khách thập phương nô nức chứng kiến nghi thức xuống đồng hay còn được gọi là lễ tịch điền. Đây chính là phần quan trọng nhất của Lễ hội. Đã 3 năm nay, ông Lưu Duy Sách, thôn Đèo De, xã Phú Đình vinh dự được dân làng giao trọng trách mắc ách vào con trâu to, khỏe vạch một luống cày mở đầu cho cuộc sống nhà nông. Theo phong tục, sau lễ hội này các gia đình mới bắt đầu làm mùa. Ngay cạnh đó, tại các thửa ruộng các cô, các chị tay thoăn thoắt cấy từng rảnh mạ đều tăm tắp, thửa ruộng bên kia những chú trâu đen tròn đã được tra vai cày đua nhau lật những luống cày đầu tiên. Trên bờ tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cổ vũ của bà con và du khách vang dội khắp một vùng. Thí sinh Ma Thị Thêm, xóm Tổ, xã Phượng Tiến chia sẻ với chúng tôi khi vừa hoàn thành phần thi: “Đây là năm thứ 4, tôi đại diện cho xã dự thi cấy nhanh, lần nào cũng rất hồi hộp và hào hứng”. Chị Thêm là một trong những thí sinh hoàn thành cấy 6 hàng lúa, dài 20m với thời gian nhanh nhất, đảm bảo gọn, đẹp và đúng kỹ thuật.
Trên sân hội không khí cũng tưng bừng náo nhiệt không kém, hội tung còn đang thu hút đông đảo mọi người tham gia. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, một cây mai non cao 15m đã được dựng giữa sân. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 60cm, dán giấy hai bên, đề chữ Nhật - Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Đồng chí Ma Thị Nguyệt là người tung quả còn đầu tiên, tiếp đó là đông đảo bà còn tham dự Lễ hội. Trên không trung, những quả còn nhiều màu sắc bay lượn với những tua vải dài trông hệt như những con chim én đang chao liệng cố gắng hướng trúng vào hồng tâm. Anh Nguyễn Quốc Thăng, xã Sơn Phú may mắn là người ném quả còn trúng hồng tâm chia sẻ: “Tôi mong muốn năm nay sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, trồng trọt và chăn nuôi đều gặp nhiều thuận lợi”.
Bên cạnh ném còn, du khách tham gia Lễ hội còn được thưởng thức những tiết mục múa rối Tày đặc sắc. Với những động tác khéo léo và thuần thục các nghệ nhân không chuyên đã tái hiện lại cảnh lao động sản xuất, cảnh sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Cùng với múa rối, các làn điệu hát Then của những thiếu nữ Tày cũng như níu chân du khách. Với quan niệm thông qua điệu hát Then sẽ khiến lời cầu khấn của con người thấu lên tới tận trời xanh, cây đàn Tính cứ nâng điệu hát then bay cao, bay xa mãi…