Tìm về tháng Giêng

08:47, 08/02/2012

Không phải ngẫu nhiên tháng Giêng được tôi và những đứa trẻ nông thôn nghèo nhớ mãi và trở thành kí ức không thể nào phai nhạt.

Một năm, tôi nhớ nhất tháng Giêng, tháng khởi đầu của một năm. Không phải ngẫu nhiên tháng Giêng được tôi và những đứa trẻ nông thôn nghèo nhớ mãi và trở thành kí ức không thể nào phai nhạt. Có lẽ bởi vì tháng Giêng chuyên chở cùng nó bao điều, bao sự kiện của một năm tốt lành.

 

Tháng Giêng về, tiết trời không còn âm u như những ngày đầu đông. Bầu trời sáng dần cùng những cơn mưa phùn không làm ướt tóc người mà chỉ đủ làm cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, bừng lên sức sống, sức sinh sôi. Cây cỏ trên các triền đồi sau bao tháng ngày ngủ yên giữa mùa đông giá lạnh nay cựa mình tung trào nhựa sống để dâng cho đời những tấm thảm xanh mát. Từ thân những cây cành khô gầy guộc, túa ra những chồi non nõn nà một cách kỳ diệu. Từ khắp các phương trời, những đàn chim đi tránh rét nay trở về với không gian quen thuộc để bay lượn, vẫy vùng, chào đón tiết trời ấm áp. Đặc biệt, từng đàn chim én đông tới hàng ngàn con bay về như chuyên chở theo mùa xuân của đất trời. Mùa xuân đã về thực rồi! Đất trời cùng tháng Giêng và tạo vật đang bắt đầu một hành trình mới.

 

Tháng Giêng về, làng tôi vào mùa lễ hội. Có lẽ trong kí ức của những đứa trẻ quê chúng tôi, hội làng là một sự kiện khó lòng có thể phai nhạt. Cả làng tôi nô nức, tấp nập chuẩn bị cho ngày hội truyền thống của làng. Bà bảo: Hội làng chỉ diễn ra vào tháng Giêng, khi ấy tiết trời đẹp và lòng người phấn chấn. Những đứa trẻ chúng tôi chạy lăng xăng khắp nơi chờ đợi ngày rước lễ vào cúng Thành hoàng. Đôi mắt ngây thơ hồn nhiên của những đứa trẻ quê chúng tôi khi ấy vừa thích thú vừa tò mò lại vừa sợ hãi khi nhìn những ông thần, ông bụt được thờ trong những ngôi đền, ngôi chùa của làng. Ngày hội tháng Giêng sao mà vui đến vậy. Khắp không gian làng quê trống giong, cờ mở, người dân quê tôi vui mừng khôn xiết sống trong không khí hội làng sau bao ngày đồng áng vất vả. Những trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà, đẩy gậy càng làm cho không khí lễ hội thêm sôi động. Tháng Giêng quê tôi năm nào cũng vui hội làng như thế !

 

Tháng Giêng về, tiết trời ấm áp, mẹ tra hạt giống trên nương, ngoài đồng bãi. Mẹ bảo, trồng cây hoa màu vào tháng Giêng là tốt nhất. Những ngày sau hội làng, cả nhà tôi và dân làng lên nương trồng đỗ, trồng sắn. Đó là những loại ngũ cốc nuôi sống người dân quê tôi từ ngàn đời nay vẫn luôn được trồng vào tháng Giêng ấm áp này. Và cũng tháng Giêng, cả làng tôi xuống đồng cấy lúa. Chỉ trong tiết tháng Giêng, cây lúa mới ấm chân và bén rễ nơi đồng đất quen thuộc. Những cây mạ non mướt như tơ được người dân quê tôi cắm xuống bùn đều đều như gieo vào đất quê sự sống của ngọc thực từ bao đời nay.

 

Cứ tháng Giêng, lũ trẻ chúng tôi lại lên núi hái rau rừng. Đó là cái thú không thể bỏ được của bọn trẻ quê chúng tôi mỗi khi tháng Giêng về. Bà thường bảo, trên rừng, trên núi, trong tiết tháng Giêng sẽ có những loại rau ban cho con người nhiều vị thuốc. Vì vậy, trong tiết trời lâm thâm mưa phùn, chúng tôi rủ nhau đi hái rau, loại rau rừng chỉ ở miền quê mới có. Nào là những đám rau má non mướt một màu mọc trên những nương mới đốt, ăn sống vừa ngọt vừa mát; những ngọn rau  cải đắngvừa bật tung từ thân cành con mỡ màng, ăn vừa đắng vừa bùi, rau mơ rừng chua chua... Rồi thú nhất là lúc đi đào măng rừng. Trong tiết tháng Giêng, những mầm măng non chưa trồi lên khỏi mặt đất mà vẫn náu mình dưới lớp đất đỏ và để lộ ra những vết nứt. Bọn trẻ chúng tôi lần theo vết nứt đó dùng thuổng đào lên được những ngọn măng non về nướng ăn, vừa ngọt vừa ngăm ngăm đắng. Ẩm thực tháng Giêng luôn ngọt bùi như thế!

 

Tháng Giêng về đong đầy nỗi nhớ. Đó là những ngày người dân quê tôi chia tay những người con của mình lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Nhìn những anh bộ đội sao vàng trên mũ mà lòng chúng tôi tràn ngập niềm tin vào hòa bình của đất nước. Rồi, những đứa con xa nhà mang trong lòng niềm lưu luyến khi phải chia xa. Họ hẹn ngày về trong nỗi nhớ tháng Giêng!