Hôm nay, 29/3 (tức 8-3 âm lịch), nhân dân các xã vùng ven Khu di tích Lịch sử Đền Hùng đã thực hiện nghi thức rước kiệu và dâng lễ vật lên các vua Hùng.
Đây là một trong những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng.
Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự rõ ràng. Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đoàn người đánh chiêng, trống, rước biểu dấu và bát bửu, đội bát âm múa sinh tiền, rước tàn lọng và đội kiệu, cuối cùng là quan viên và nhân dân.
Đúng 9 giờ, các đội rước xếp thành hàng dài, vừa đi vừa đánh trống, đánh chiêng, múa hát rước kiệu từ sân trung tâm lễ hội lên cổng chính Đền Hùng, đến ngã 5 Đền Giếng thì chia thành 2 đoàn rước. Đoàn rước của xã Hùng Lô, Kim Đức và phường Vân Phú đi theo đường 325 ra cổng ngã ba Hàng. Đoàn rước của xã Hy Cương, Chu Hóa và Tiên Kiên theo đường hồ Gò Cong đến Trung tâm Thanh thiếu niên Hùng Vương rồi về đình Cổ Tích.
Tham dự lễ rước độc đáo này, ông Nguyễn Sỹ Long, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hùng Lô tự hào cho biết: “Xã Hùng Lô chúng tôi còn lưu giữ được những chiếc kiệu bát cống, kiệu văn có tuổi đời gần 400 năm (1697). Không những thế, đoàn rước kiệu xã Hùng Lô còn có cả tấm biển thưởng giành được trong cuộc thi rước kiệu cách đây hơn 90 năm. Không còn lưu giữ được kiệu cổ nhưng đoàn rước kiệu của xã Vân Phú có rất nhiều lễ vật đặc trưng dâng lên tiên tổ…
Những nét độc đáo trong lễ rước là tư liệu quan trọng để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.