Hôm nay (3-3 âm lịch) là Tết hàn thực. Ngày bé tôi không biết Tết này xuất xứ từ đâu nhưng năm nào tôi cũng mong ngóng để được ăn thỏa thích bánh trôi, bánh chay mẹ làm.
Để có những đĩa bánh trôi bánh chay ngày mùng ba, mẹ tôi đã chuẩn bị gạo từ nhiều ngày trước đó, bởi thời ấy gạo nếp ngon không dễ mua như bây giờ. Mẹ tôi cẩn thận chọn gạo làm bánh trôi từ giống nếp cái hoa vàng. Trộn gạo theo công thức 9 phần nếp – 1 phần tẻ hoặc 8 phần nếp – 2 phần tẻ tùy loại gạo. Đường để làm nhân bánh trôi ngon phải là đường phên già, đỏ thắm và có mùi thơm ngát gửi mua tận Võ Nhai chứ không phải thứ đường trắng bày bán trong túi bóng như hiện nay tôi nhìn thấy.
Mẹ tôi làm bánh không cầu kỳ nhưng cẩn thận. Xoa đều bột trong lòng bàn tay, nặn những chiếc bánh trôi nho nhỏ xong chiếc nào thả vào nồi nước đang sôi, luộc luôn chiếc đó. Có vậy, bánh mới tròn. Sau 3 lần chìm, 7 lần nổi thì vớt ra và ngâm trong nước sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày vào đĩa. Rắc thêm mấy hạt vừng rang vàng đượm để thêm phần hấp dẫn. Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng. Bánh chay đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Ngày mùng ba bao giờ mẹ tôi cũng làm bánh từ khi trời còn tối và thắp hương vào buổi sáng sớm, khi mấy anh em từ trên giường lăn xuống đất đã thấy những đĩa bánh mẹ cúng xong để sắn trên bàn. Và hôm ấy cả ngày chúng tôi được ăn bánh trôi, bánh chay.
Đến tận bây giờ sau nhiều lần xem mẹ làm bánh và tự tay nặn bánh tôi mới thấy ngấm những câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Lớn lên cùng năm tháng, tôi mới biết hai chữ "Hàn Thực" gắn với một điển tích ở Trung Quốc. Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).
Nhưng khi biêt ngọn nguồn của Tết Hàn thực, tôi không còn được ăn những chiếc bánh trôi bánh chay mẹ làm bởi mẹ đã già yếu và nếu có làm cũng không mấy ai về ăn do công việc cứ cuốn chúng tôi đi. Khi có gia đình, ngày mùng ba muốn lắm nhưng tôi cũng không có thời gian tự làm bánh. Lại lại ra chợ mua về bầy lên bàn thờ thắp hương tiên tổ. Nhưng chiếc bánh bây giờ chẳng thể giống bánh ngày xưa. Hôm nay mùng 3-3, lại nhớ bánh trôi nước mẹ làm!