Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt

17:00, 29/03/2012

Thờ cúng tổ tiên là một biểu đạt văn hoá truyền thống có ở hầu khắp các dân tộc sinh sống trên toàn cõi Việt Nam. Hướng về tổ tiên là một xu thế, một tâm thức tích cực của mọi cộng đồng.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội từ hàng ngàn năm nay. Đặc biệt ở Việt Nam dù rằng làn sóng “toàn cầu hoá” và sức mạnh của công nghiệp hoá hiện đại hoá đã làm cuộc sống thay đổi một cách mạnh mẽ song văn hoá, tâm linh nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn tồn tại và phát triển một cách bền vững. Trong mỗi gia đình có Cha có Mẹ, trong một quốc gia ắt phải có Quốc tổ. Hùng Vương là biểu tượng cội nguồn của các dân tộc Việt Nam và là hình ảnh của quốc gia Việt Nam trong nhận thức của toàn dân. 

 

Văn học truyền khẩu về thời Hùng Vương có từ rất sớm. Tên tuổi Quốc tổ Hùng Vương đã được truyền tụng một cách dân gian và hình thành những ký ức lịch sử vô cùng phong phú, sâu sắcvà sống mãnh liệt. Với truyền thuyết Cha Rồng, Mẹ Tiên và sự tích “Bọc trăm trứng”, các dân tộc Việt Nam tin tưởng, gắn kết với nhau một cách chặt chẽ và trở thành khối đại đoàn kết cộng đồng qua bao thăng trầm của lịch sử.

 

Theo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và theo Luật Di sản văn hoá thì Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội liên quan đến Hùng Vương. Đây là di sản sống bởi đó là những thực hành xã hội có nguồn gốc xa xưa từ cộng đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, lan toả và đã trở thành thực hành thường xuyên là di sản của cả dân tộc. Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng vì chúng khẳng định bản sắc của cộng đồng. Họ sáng tạo truyền thuyết, thực hành các tập quán bày tỏ sự kính trọng, biết ơn và niềm tin vào Hùng Vương. Họ đã duy trì các tập quán đó từ đời này sang đời khác cho đến nay và coi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống.

 

Các tập quán này gắn bó mật thiết với thế giới quan, nhân sinh quan, với lịch sử, ký ức của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cũng thường được gắn với các sự kiện quan trọng của quốc gia. Cùng với sự phát triển của đất nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia qua nhiều thời kỳ lịch sử và trở thành Di sản đại diện của dân tộc Việt Nam.

 

Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ; không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên là một ứng xử văn hóa, là ý thức đạo đức và bổn phận của mỗi người. Từ trong gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước với quan niệm: Cùng chung dòng máu Tiên Rồng, cùng là con cháu Lạc Hồng, nên người Việt luôn sống với nhau có nghĩa có tình, có thủy có chung, có trên có dưới, có xóm có làng, có sau có trước, có nước có nhà, có tổ có tông. Đó là điều cốt lõi làm nên giá trị vĩnh hằng của văn hóa cộng đồng Việt Nam, làm nên sức mạnh cố kết cộng đồng, khối đoàn kết quốc gia dân tộc.

 

Là một công trình di tích đặc biệt, Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh,xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch đồng bào lại về Nghĩa Lĩnh làm giỗ Tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày giỗ trọng của cả dân tộc.

 

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Từ thời phong kiến đến ngày nay, hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng. Trước đây, đúng ngày mùng 10 tháng 3, tại đền Vua Hùng ở làng Cổ Tích, phủ Lâm Thao, các nhà nước phong kiến đều tổ chức giỗ Tổ trang nghiêm, thành kính, thường có đại diện của triều đình tới làm chủ tế. Dân chúng quanh vùng kéo về Đền Hùng lễ tổ và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí rất đông.

 

Ở các tỉnh xa, đồng bào không về Đền Hùng Giỗ Tổ được thì cộng đồng làng xã, địa phương ở đó tự nguyện lập đền thờ cúng tế vọng Vua Hùng. Theo thống kê sơ bộ, trên toàn quốc hiện có tới 1.417 di tích thờ Hùng Vương, gia quyến và các tướng lĩnh thời Hùng Vương; nhưng tập trung nhiều nhất là ở quanh vùng Hy Cương và các địa phương phụ cận như thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ.

 

Thể theo nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào cả nước và xu thế phát triển của xã hội, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày nay được tổ chức quy mô lớn hơn. Từ làng xóm đến quốc gia, từ cộng đồng nhỏ đến cộng đồng cả nước. Theo truyền thống tự ngày xưa Nhà nước ngày nay cũng có vai trò quan trọng trong ngày Giỗ tổ. Cùng với phần lễ Tổ tôn nghiêm, thành kính, theo đúng phong tục thờ cúng tổ tiên, các hoạt động hội đã tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho muôn dân. Cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian và được tiến hành trên tinh thần tự giác, tự quản của cộng đồng, có sự tạo điều kiện của nhà nước, các tổ chức xã hội, người hảo tâm. Vai trò của Nhà nước và các tổ chức xã hội là một bảo đảm để giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng trang trọng, tôn nghiêm, chuẩn mực và chu đáo.

 

Phú Thọ đã trở thành chốn Tổ, điểm đến trong cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên truyền thống ngày càng được chú trọng khôi phục, duy trì và nâng cao trong lễ giỗ Tổ. Các hình thức hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian được phục dựng nguyên bản đã giúp đồng bào về dự Hội Đền Hùng như được trở lại không gian văn hóa thời Hùng Vương. Lễ rước kiệu, hội thi hát Xoan của cư dân quanh vùng Nghĩa Lĩnh được khôi phục, làm cho giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng và không gian truyền thống.

 

Theo dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay trên hai nghìn năm. Từ thời An Dương Vương Thục Phán, Vua đã dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nguyện thề “có đất trời lồng lộng chứng giám, cầu cho nước Nam được trường tồn; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng, giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”. Tới thời Hồng Đức hậu Lê, khi vua Lê Thánh Tông khẳng định: Nho giáo là hệ tư tưởng rường cột của Quốc gia Đại Việt thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lần đầu tiên được chính thức hoá bằng pháp luật. Vua sai Hàn lâm viện - Trực Học sỹ Nguyễn Cố soạn: “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” khẳng định vua Hùng là bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian.

 

Năm 1479 trong “Đại Việt sử ký toàn thư” nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã đưa họ Hồng Bàng vào chính sử Việt Nam. Đó là bước phát triển vượt bậc trong ý thức hệ và tư duy của Nho giáo Việt Nam. Từ đây về sau, Hùng Vương được gọi là Thánh Tổ và được chính quyền Trung ương công nhận; nhân dân trên khắp mọi miền đất nước xây dựng đền thờ Vua Hùng và các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Trong hệ thống thờ cúng Hùng Vương, duy nhất Đền Hùng được lưu giữ Ngọc phả Hùng Vương và dân xã Hy Cương được vinh danh là “dân trưởng tạo lệ” hưởng hương hoả để thờ cúng tổ tiên. Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức định ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.

 

Năm 1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra sắc lệnh đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ hưởng nguyên lương. Năm 2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

 

Biểu tượng vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Với tâm huyết và trách nhiệm được giao phó bởi cộng đồng nhân dân Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ đã rất cố gắng trong việc bảo vệ di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong nhiều năm qua; trong đó có việc lập Hồ sơ đề cử UNESCO ghi nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

 

Phú Thọ nhận thức sâu sắc giá trị Đại diện của di sản và mục tiêu đưa di sản đề cử để được bảo vệ ở cấp độ quốc tế theo tinh thần của Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Điều đó có nghĩa là, sau khi được công nhận quốc gia chúng ta có trách nhiệm bảo vệ di sản theo tinh thần, chuẩn mực của quốc tế để di sản thực sự là đại diện cho văn hoá của Quốc gia trong bức tranh chung của nhân loại.

 

Giá trị lịch sử, tính đại diện, sức sống cùng với sự cam kết của cộng đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ và cả nước trong việc bảo vệ di sản là những yếu tố cơ bản để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên con đường tiến đến danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.