Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống văn hóa - tinh thần của người Việt

14:18, 26/03/2012

Hùng Vương được nhân dân ta coi là thánh vương khởi dựng Quốc gia Văn Lang cổ đại. Bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm vào ngày 10-3 Âm lịch được coi là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân đất Việt.

Dù ai đi ngược về xuôi

 

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

 

Con cháu Lạc Hồng dù ở đâu, đi đâu trong ngày này đều nghĩ về ngày Giỗ tổ, nhớ tới cội nguồn. Từ truyền thuyết bọc trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn sắt son quan niệm: Đã là người Việt, tất cả cùng chung dòng máu Tiên Rồng, phải sống với nhau có nghĩa, có tình, có trước có sau, thủy chung son sắt. Đó chính là những giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi tạo nên sức mạnh vĩnh hằng hun đúc truyền thống đoàn kết trong cộng đồng văn hóa người Việt. Từ nhiều nguồn tư liệu cho thấy, khoảng từ thế kỷ XIV, XV, nhà Lê bắt đầu xây dựng bộ ngọc phả Hùng Vương, sau đó là việc thờ cúng Hùng Vương.

 

Các triều đại sau đó như Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có việc phong sắc giao cho các làng, xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thờ cúng Hùng Vương. Cho đến nay tín ngưỡng này càng phát triển mạnh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho ông Hùng Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa làm lễ trước miếu các Vua Hùng. Đặc biệt, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, đây là tổ tiên của dân tộc ta. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”… Câu nói bất hủ của Bác đã khắc ghi trong lịch sử dân tộc. Đến giờ nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đã được nâng lên tầm Quốc gia, trở thành một sự kiện văn hóa lớn của dân tộc. Từ ngày 11-4-2007, Chủ tịch Nước đã ký lệnh công bố sửa đổi bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động. Theo đó người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc và hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đến Hùng hằng năm.

 

Không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất rộng và không chỉ duy trì ở 226 điểm thờ cúng thuộc các làng, xã thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam (trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có đình Hùng Vương thờ Vua Hùng nằm ở phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên). Để bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đầu năm 2011, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong xã hội đương đại với sự tham gia của đại diện UNESCO tại Việt Nam và nhiều đại sứ quán cùng gần 100 các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hội thảo đã đi tới nhận định: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong đó có thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là một biểu tượng văn hóa đặc biệt, tiêu biểu của tất cả cộng đồng các dân tộc được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ.

 

Du khách trảy hội Đền Hùng. Ảnh: Nguyễn Sản (Báo Phú Thọ)

 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, song tựu trung lại đều đưa ra những vấn đề nhấn mạnh niềm tin tâm linh của người Việt, việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành biểu tượng văn hóa, là một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, cần được bảo tồn, xứng đáng được tôn vinh. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, gần 2 năm qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất bộ hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” cùng “Đờn ca tàu tử Nam Bộ” vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể.

 

Những ngày này, trên đất tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng được tổ chức rất trang trọng. Nét mới của chương trình “Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng” năm nay là ngoài Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, còn có lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven sông khu di tích được tổ chức vào ngày 8-3 (Âm lịch) với sự tham gia của các nhà ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt nam. Cùng với phần Lễ, các hoạt động của phần Hội được tổ chức gắn với Chương trình “Du lịch về nguồn” năm 2012 của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.

 

Đặc biệt là Lễ hội năm nay, Phú Thọ sẽ vinh danh Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” và lần đầu tiên tổ chức Liên hoan tiếng hát các làng Xoan lần thứ nhất; cùng một loạt các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: thi cói, nấu bánh trưng và giã bánh dầy; thi đấu bóng chuyền, vật dân tộc, cờ tướng, bắn nỏ… Cùng với đó là tổ chức Triển lãm ảnh các di tích thờ cúng Hùng Vương và các hoạt động khác để tuyên truyền đậm nét thêm cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Phú Thọ để trình UNESCO vinh danh. Trong mối liên hệ giữa lịch sử với văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xứng đáng được tôn vinh trở thành giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại.