Trùng tu các di tích phục vụ Festival 2012

08:23, 10/03/2012

Cốt lõi của việc trùng tu là phải đảm bảo tính chân xác của lịch sử, bảo đảm các yếu tố khoa học trong công nghệ trùng tu

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, Festival Huế 2012 chính thức khai mạc. Những ngày này, tỉnh Thừa Thiên- Huế đang gấp rút để hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày hội văn hóa diễn ra 2 năm một lần ở vùng đất cố đôcủa nhà Nguyễn, trong đó có việc trùng tu các di tích.

 

Điện Cần Chánh- công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) đã bị phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1947. Do vậy, việc phục dựng công trình này gặp rất nhiều khó khăn. Sau hơn 14 năm thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu đào tạo và bảo tồn di tích Huế giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Thế giới UNESCO - Đại học Wasada (Nhật Bản), phía Nhật đã có những đóng góp rất lớn bằng việc đưa thiết bị, phương tiện và cử chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ cho công tác phục nguyên Điện Cần Chánh. Giáo sư, tiến sĩ Nakagawa Takeshi- Giám đốc, Viện trưởng Viện Di sản UNESCO - Đại học Wakeda cho biết: Qua quá trình nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kiến trúc xây dựng, chúng tôi khẳng định công trình có thể phục nguyên được. Chúng tôi đang xây dựng gần xong mô hình, phục nguyên theo tỷ lệ 1/10. Trong dịp Festival sắp tới chúng tôi sẽ kết nối thông tin này và tiến hành trưng bày ở Điện Cần Chánh.  

 

 

 Những năm qua, trong điều kiện khó khăn về kinh phí nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trùng tu, bảo tồn di tích. Giai đoạn từ 2006-2011, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu quy mô lớn, với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 200 tỷ đồng. Năm nay, với khoảng kinh phí 60 tỷ đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên trùng tu các di tích khu vực đại nội. Trong đó bao gồm 10 tỷ đồng trùng tu, nâng cấp các công trình trọng điểm chuẩn bị cho Festival năm 2012. Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cốt lõi của việc trùng tu là phải đảm bảo tính chân xác của lịch sử, bảo đảm các yếu tố khoa học trong công nghệ trùng tu:  “Một trong những bí quyết để giữ gìn các di tích truyền thống đó là bí quyết ở các nghệ nhân.Đào tạo, phát huy được tốt nhất những kỹ năng của nghệ nhân tham gia trùng tu di sản”. – Ông Hải cho biết.

 

Trùng tu di tích không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Cách làm mà tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra là mỗi ngày trùng tu một ít, mỗi năm hoàn thiện một số công trình, để trả di tích trở về giá trị nguyên bản của nó. Đó là việc làm cần thiết, để Huế luôn là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách, nhất là vào các dịp lễ hội./.