Bãi Hát là xóm thuần nông của xã Bá Xuyên đã 10 năm liên tục được T.X Sông Công công nhận là xóm văn hóa với những thành tích: Không còn nhà dột nát; 14 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; gần 90% số hộ đạt gia đình văn hóa... Người dân ở đây đã làm được thành tích ấy từ ý thức tự giác, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng.
Xóm Bãi Hát có diện tích tự nhiên khoảng 1km2, với 92 hộ, 390 nhân khẩu. Là một xóm thuần nông, thu nhập của người dân ở Bãi Hát chủ yếu dựa vào cây lúa, cây chè và chăn nuôi. Xóm được thành lập năm 1997 trên cơ sở tách ra từ xóm Hát Trúc của xã Bá Xuyên. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, đồng chí Vũ Thành Chiền, Bí thư Chi bộ xóm Bãi Hát cho biết: Khi đó xóm mới có 78 hộ với 210 nhân khẩu, nhiều hộ còn nghèo khó, thu nhập bình quân chỉ đạt 4,8 triệu đồng/người/năm. Xóm chưa có đường bê tông, đường trục xóm nhỏ xíu, ngày mưa thì lầy lội, có nhiều đoạn phải dắt xe, không đi nổi vì trơn trượt.
Đến năm 1998, xóm bắt đầu triển khai thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Từ đó, vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của xóm và được Chi bộ Đảng cùng Ban vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đặt lên hàng đầu. Nhiều người dân trong xóm tích cực tham gia các lớp tập huấn do thị xã tổ chức với nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Trước kia, người dân trong xóm chỉ trồng chè hạt, đến năm 2000 đã có nhiều gia đình mạnh dạn đưa cây chè cành về trồng thử. Là một trong những người đầu tiên trồng chè cành, ông Dương Thanh Sơn, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Bãi Hát chia sẻ: Tôi nhận thấy trồng chè cành tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm bón cầu kỳ hơn chè hạt nhưng mỗi lứa hái lại thu được gần 20kg búp khô/sào, cả năng suất và giá bán cao gần gấp đôi so với chè hạt. Tôi trồng chè cành rồi hướng dẫn, phân tích cho bà con thấy rõ được cái lợi đó, do vậy nhiều người dân cùng làm theo. Đến nay trong xóm đã có 23 hộ trồng được gần 3ha chè cành, mang lại thu nhập cho các hộ khoảng 800 triệu đồng/năm. Đàn lợn trong xóm cũng tăng nhanh về số lượng và quy mô chăn nuôi, bình quân mỗi hộ nuôi từ 3 đến 10 con. Cá biệt, có hộ trong xóm nuôi tới 80 con/lứa như gia đình anh Ngô Bá Đông, nhờ đó đến nay nhà anh đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, khu chăn nuôi được xây dựng kiên cố, sạch sẽ. Từ những kết quả thu được trong phát triển sản xuất, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt trên 12 triệu đồng/người/năm. Trong xóm không còn nhà dột nát, chỉ còn 9% hộ nghèo…
Kinh tế phát triển đã tạo thuận lợi để cán bộ xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa. Người dân đã đồng lòng đóng góp 9 triệu đồng để sửa chữa nhà kho thành nhà văn hóa của xóm vào năm 2003. Năm 2005, bà con đã tự nguyện đóng góp được gần 140 triệu đồng và gần 1 nghìn ngày công để làm được toàn bộ 3km đường bê tông, nhờ đó không còn phải chịu cảnh lầy lội nữa. Ngoài ra, xóm còn vận động được trên 20 hộ dân góp trên 3.000m2 đất làm sân bóng. Xóm cũng thành lập được đội bóng và đội văn nghệ thường xuyên giao lưu, biểu diễn nhân các dịp lễ, Tết. Các mục tiêu về xây dựng gia đình văn hóa và cụm dân cư tiên tiến được xóm thực hiện đầy đủ. An ninh trật tự được giữ vững, xóm không có tệ nạn xã hội, không có đối tượng hình sự; gần 90% số hộ đạt gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, 14 năm liên tục, xóm Bãi Hát không có người sinh con thứ 3 trở lên, 100% số trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường…
Đời sống kinh tế được nâng lên, tình làng, nghĩa xóm của người dân ở đây càng thêm gắn bó bền chặt. Đơn cử như câu chuyện thoát nghèo của chị Trần Thị Lý, một người dân trong xóm. Đầu năm 2009, chồng chị phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư. Chồng ốm, mọi tài sản trong gia đình chị đều phải mang bán để lo tiền chữa bệnh cho anh. Thế nhưng, đến cuối năm 2009 thì chồng chị vẫn không qua khỏi do căn bệnh biến chứng. Chồng mất, tài sản còn lại chỉ là 4 sào ruộng, 1 sào chè, chị Lý tưởng rằng không thể trụ nổi để nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị tâm sự: Thời điểm đó, tôi rất hoang mang, suy sụp. Nhưng nhận được sự quan tâm, động viên của bà con làng xóm, nhất là sự quan tâm thiết thực của các Hội, đoàn thể trong xóm, tôi đã gượng dậy được. Các tổ chức tổ chức Hội, đoàn thể đã thay phiên giúp tôi cấy, gặt, hái chè và tạo điều kiện cho tôi được vay 25 triệu từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và 5 triệu đồng từ nguồn vốn riêng của Chi Hội phụ nữ, Chi Hội nông dân xóm. Với 30 triệu đồng này, tôi mua được lợn và bò để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, tôi thường xuyên nuôi 20 con lợn trong chuồng, đã sửa được nhà và nuôi dạy 2 con ăn học. Mừng hơn cả là gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2011. Có thể nói, tình cảm làng xóm đã giúp tôi đứng vững trong lúc gặp hoạn nạn tưởng chừng không vượt qua nổi...