Ấn tượng đêm khai hội cồng chiêng tại Lâm Đồng

08:59, 21/04/2012

Tối 20/4, lễ hội văn hóa cồng chiêng “Đại đoàn kết dân tộc” lần thứ VI năm 2012 đã khai mạc tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân cồng chiêng của các dân tộc K’ho, Chu Ru, Mạ... ở nhiều buôn làng trong toàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh cồng chiêng loại hình là một văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, là yếu tố chính của di sản văn hóa phi vật thể “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Lễ hội văn hóa cồng chiêng là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng được tỉnh Lâm Đồng tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số bản địa trên địa bàn tỉnh, tạo một sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho mọi người - nhất là cho lớp trẻ.

 

Và cũng với mục đích đó, trong đêm khai mạc, lần đầu tiên ở Lâm Đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã trao Giấy chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng cho 41 nghệ nhân cồng chiềng tiêu biểu nhất của tỉnh.

 

Sau nghi thức “Xin lửa” trang nghiêm tại Đài tưởng niệm liệt sỹ, ngọn lửa ấy được rước về nơi khai mạc lễ hội.

 

Ấn tượng hàng đầu trong đêm khai mạc là các màn tấu chiêng của 12 đội cồng chiêng và đặc biệt là Đêm hội Đại đoàn kết với nhiều hoạt động độc đáo, mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng như cồng chiêng múa xoang, khai ché rượu, đeo vòng kết bạn, hội thi rượu cần…

 

Trong ngày 21/4, Lễ hội sẽ diễn ra tại xã P’ró - một xã của đồng bào Chu Ru với nhiều hoạt động hấp dẫn như: hội thi văn hóa cồng chiêng, thi các trò chơi dân gian (bắt cá, vớt bí ngô, lấy nước bằng ống bương, đua bè, cấy lúa, là, nồi gốm…) và sẽ kết thúc vào đêm 21/4 bằng chương trình đêm hội Churu độc đáo./.