Đi giữa mùa hoa Khun rực vàng

10:04, 23/04/2012

Cho dù đã là lần thứ hai đi bằng đường bộ vượt dãy Trường Sơn sang đất nước triệu voi, nhưng tôi vẫn háo hức khi đặt chân đến Lào - đất nước của những người bạn, người đồng chí  thuỷ chung son sắt với Việt Nam.

Có thể chỉ một chút quen biết thoáng qua, hoặc một cuộc chuyện trò (thông qua phiên dịch) cùng với những người bạn đồng nghiệp, những người dân Lào, nhưng tôi luôn thật sự có thiện cảm chân thành về những con người hồn hậu nồng ấm nghĩa tình. Lúc cất bước chia tay đất nước, con người xứ Chăm pa, xứ hoa Khun, tôi thầm mong một ngày nào đó sẽ được trở lại, đến với những nơi mà dấu chân tôi đã đi qua mà trong tâm khảm ắp đầy những ấn tượng tốt lành về đất nước, thiên nhiên, con người.

 

Nước Lào đang vào dịp tết Bunpimay (đón mừng năm mới theo Phật lịch) những nơi tôi đến và đi qua, dường như bầu trời lúc nào cũng cao xanh, lộng gió, mặt đất trải ánh nắng vàng, tựa hồ như mùa thu Việt Nam. Dọc bên đường, nơi khuôn viên công sở, trong các chùa chiền...  hoa Chăm pa bung nở khoe sắc trắng tinh khôi và đây đó những cây  Khun trổ những chùm hoa vàng rực rỡ - một loài hoa đặc trưng cho Tết Bunpimay của Lào. Thấy nhiều người hái hoa, tôi hỏi anh sinh viên Lào - Sổm mạ ny Phon Tha vông (phiên dịch cho đoàn chúng tôi), anh cho biết: Theo truyền thống, người Lào hái hoa Khun thả vào chậu nước ngâm để  làm nước té (nước hoa) tưới té cho nhau trong mùa lễ hội. Khun là loài hoa đem đến và nhân lên sự may mắn và hạnh phúc cho con người. Té nước là một mỹ tục truyền thống và là sinh hoạt văn hoá độc đáo, đặc sắc, trong những ngày Hội té nước, trên đất nước Lào tràn ngập niềm. Người Lào lý giải nguồn gốc của việc té nước trong dịp Tết Bunpimay mang đậm sắc màu sắc tín ngưỡng tâm linh với nhiều truyền thuyết và nhiều dị bản khác nhau. Ý nghĩa của té nước là gột rửa, xoá tan đi những oán thù và những điều xấu, mang lại điều an lành, tưới tắm cho con người mát mẻ, hạnh phúc, bình an, và vạn vật sinh sôi, cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, phồn thực...

 

Cuộc sống hiện đại đang từng ngày hiện hữu trên đất nước Lào, các trung tâm tỉnh lị, các thành phố lớn, bên cạnh những lâu đài, những chùa chiền cổ kính là những toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, công sở, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Đêm về phố phường rực sáng ánh điện, biển hiệu thông tin, quảng cáo lập loè đủ mọi sắc màu lung linh, những đại lộ rộng thênh thang toả đi các ngả... Nếu để ý quan sát người ta có thể liên tưởng đến nhịp sống công nghiệp đã lan toả, thậm chí đã phần nào làm biến dạng đi tục té nước truyền thống của Tết Bunpimay, bởi nghi thức và phương thức té nước ở nhiều nơi trên đất Lào dường như đã được “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

 

Thủa xưa người ta vốc nước, té nước cho nhau bằng tay bằng, hoặc nhúng lá cây vào chậu nước rồi vẩy nước vào mọi người, bây giờ cùng với việc té nước truyền thống, thanh niên, trẻ em Lào dùng cả các phương tiện như dùng súng nhựa phun nước, dùng vòi nước máy, thậm chí những thanh niên nghịch ngợm thái quá còn dùng cả xô nước đổ ụp xuống đầu bất cứ một người nào đi bộ hoặc đang đi xe máy. Dọc đường từ Viêng Chăn đến Xiêng Khoảng chúng tôi gặp hàng trăm xe ô tô bán tải, xe tải nhỏ, xe ba bánh (người Lào gọi là túc túc) chở thanh niên nam nữ, trên tay họ là những bình nước, xô nước để dội, phun, té cho bất kỳ ai đi cùng chiều hoặc ngược chiều. Ai cũng ướt đẫm nhưng trên gương mặt họ rạng rỡ niềm vui, niềm hạnh phúc. Thỉnh thoảng chiếc xe của chúng tôi cũng được họ té nước, có lúc mờ hết cả kính, anh lái xe phải nhiều lần sử dụng cần gạt nước trong lúc trời vẫn nắng chói chang, nhìn cảnh tượng vui tươi hồn nhiên đó, chúng tôi là người nước ngoài cũng lây lan niềm vui chẳng khác nào người trong cuộc.

 

Có thể rút ra một nhận xét từ những nơi tôi đã chứng kiến và đi qua: Tết Lào không mang nặng hình thức và vật chất mà mang tính vui chơi cộng đồng, họ cùng nhau té nước, nhảy múa, hát hò, dựng trại tập trung sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, ăn uống ở khắp nơi, có thể là bên bờ sông, bên sườn đồi thoải, trong khuôn viên phố phường…

 

Một buổi tối lần đầu đi xem té nước, tôi cảm thấy mình như hoà tan vào không gian âm vang tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát trong tiếng nhạc truyền thống du dương, các điệu nhảy đắm say, bốc lửa, ánh sáng ảo huyền lung linh khúc xạ bụi nước, hoà lẫn trong tiếng nhạc trữ tình, thỉnh thoảng xen lẫn cả tiếng nhạc Tây phương mạnh mẽ phát ra từ những chiếc loa có công suất cực lớn, hoà điệu cùng các thanh âm đa sắc, đa màu, đa cung bậc trong đêm Bunpimay truyền thống của Lào.

 

Chẳng thể nào kể hết được những chuyện được nghe, những điều nhìn thấy trong một chuyến, trong bài viết này chỉ xin ghi chép tản mạn những cảm nhận vụn vặt của mình về những nét đẹp truyền thống tết Bunpimay và nét văn hoá trong ứng xử, giao tiếp của những người bạn Lào.  Chuyện như: Một hôm, tôi giơ tay bấm máy ảnh (chụp Khải hoàn môn Patuxay - biểu tượng chiến thắng của đất nước Lào tại Thủ đô Viêng Chăn) đúng vào lúc mấy thanh niên Lào đi tới (con đường họ đi sẽ cắt ngang qua trước ống kính máy ảnh của tôi) rồi họ dừng chân có ý chờ tôi chụp xong ảnh mới đi. Tôi bấm máy liên tục để mong muốn có một bức ảnh ưng ý, họ vẫn đứng chờ. Tôi hiểu là họ lịch sự không qua trước ống kính của mình, nên tôi vẫy tay ra hiệu để họ đi qua họ mới đi. Đó là một cử chỉ, một nét văn hoá bình dị mà thú thực trong cuộc đời tôi rất ít gặp.

 

Điều đặc biệt mà tôi quan sát được đó là họ có ý thức nhường nhịn nhau trong các nơi công cộng. Đặc biệt là về ứng xử văn hoá trong việc tham gia giao thông. Người chưa chứng kiến thật khó tin, đường phố Viêng Chăn xe ô tô chảy nườm nượp mà dường như cả ngày không nghe một tiếng còi xe. Thế rồi cả một đoạn đường dài khoảng 400 cây số, trong đó có hàng trăm km đường cua vượt đèo, vượt dốc mà cũng không hề nghe một tiếng còi ô tô nào. Ở những giao lộ thị trấn không có đèn tín hiệu giao thông họ có ý thức tự giác dừng lại nhường nhịn nhau một cách trật tự đi theo từng làn không có cảnh mạnh ai nấy chạy. Trong một đoạn cua tự nhiên có một tiếng còi đằng sau, anh lái xe chưa nhìn, nhưng nói một câu chắc nịch: Xe Việt Nam!  Quả đúng vậy, chiếc xe nọ tăng tốc vút qua, biển số 37…của một tỉnh miền Trung nước ta. Người ta nói rằng nhìn giao thông đô thị và đi quan sát cảnh mua bán ở chợ sẽ đánh giá được phần nào lối ứng xử có văn hoá hay không có văn hoá của cộng của cộng đồng của một vùng một địa phương thậm chí một đất nước. Dĩ nhiên chỉ nhìn hai tiêu chí đó sẽ phiến diện, nhưng phải khẳng định rằng căn cứ nhận định đó đáng thật phải suy nghĩ.  

 

chợ Lào người mua, kẻ bán thật sự rất vô tư thoải mái, nếu mình hỏi mua hàng dẫu có mua hay không họ vẫn vui vẻ cảm ơn (kể cả là mình là người đầu tiên hỏi mua hàng trong buổi sáng sớm dẫu không mua họ). Nói đến văn hoá giao thông ở Lào, thú thực tôi chạnh lòng nghĩ đến chúng ta. Bất chợt tôi nhớ đến một bài viết của nhà báo nữ Ca na đa là Pamela Roth (một dịch giả đã dịch tiếng Việt) thuật lại trong một lần đến Hà Nội, chị ta không biết làm thế nào để sang bên kia đường trước dòng xe chảy như nước, thấy thế người bạn Ca na đa đi cùng chị này đã sống ở Việt Nam lâu hơn và “có kinh nghiệm sang đường” bảo với chị ta rằng: - Cứ đi đi, người ta sẽ lượn quanh mình, nếu không dám đi thì không thể nào sang đường được! Bài  báo viết về việc tham gia giao thông ở Hà Nội, tác giả ví giống như: Một trò chơi ga me mạo hiểm.

 

Lào có trên 6 triệu dân, 236 nghìn km2 (là nước có mật độ dân số trên km2 vào hàng thấp nhất thế giới) ngoài hai vùng đồng bằng khu vực Viêng chăn và Xa van na khẹt, địa hình Lào chủ yếu là cao nguyên và núi non hùng vĩ. Phật giáo là quốc đạo, Lào có khoảng 1. 400 ngôi chùa lớn, nhỏ. Giáo lý đạo Phật dường như thẫm đẫm trong lối sống không chỉ trong giới tăng ni, phật tử mà lan toả, ảnh hưởng sâu sắc trong cả đời sống xã hội. Người Lào vị tha, nhân hậu, nhường nhịn, giàu lòng lòng nhân ái, không xô bồ bon chen danh lợi. Hầu hết họ sống với quan niệm rất nhân bản rằng: Làm phước sẽ nhận được phước, giúp người chính là giúp mình. Một người cho người khác tiền hoặc một vật gì đó, chính người cho đó phải xin được cho thì người kia mới nhận…

 

- Xa  bai  đi! (xin chào)

 

- Khộp chay ! (cảm ơn)

 

- La  còn ! (tạm biệt).

 

Những cụm từ đó vẫn như còn văng vẳng đâu đây khi đã rời khỏi xứ Chăm pa.  Đất nước của triệu voi, đất nước của chùa chiền, đất nước của Cánh Đồng Chum, đất nước của điệu Lăm tơi uyển chuyển mềm mại, của sắc hoa Khun rực vàng trong nắng gió. Trên đường trở về Việt Nam hình ảnh gần gũi, thân thiện, những âm thanh của bài ca Hữu nghị Việt - Lào (nhạc sĩ Hồ Hữu Thới) đằm thắm, da diết do các ca sĩ Lào hát bằng hai thứ tiếng quyện hoà trong nền nhạc đằm thắm (tại Lễ khai mạc Hội báo xuân Hữu nghị Việt - Lào vửa tổ chức tại Cung văn hoá Viêng chăn) cứ đan cài trong tâm trí tôi theo suốt quảng đường dài : Anh ở bên này Đông Trường Sơn… em ở bên này Tây Trường Sơn, luôn gửi cho nhau câu hát ân tình… câu hát dân ca của Lào Lum, Lào Thơng… câu hát dân ca của quê mình Quan họ… đến với nhau người ở… đừng về…hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sáng, đất nước Chăm pa… đất nước Tiên Rồng… chung bước đi lên xây đắp mối tình…

* Hội báo xuân 2012 nằm trong các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao hai nước, 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị  Việt Lào