Du lịch nội địa dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Lại thua trên “sân nhà”

09:38, 22/04/2012

Đón trước 4 ngày nghỉ trong dịp 30-4 và 1-5 sắp tới, ngay từ bây giờ, nhiều du khách đã lên lịch cho những chuyến hành trình thú vị cùng bạn bè, người thân. Xu hướng du lịch trong nước thực tế có điều gì đáng nói?

Chưa đến lễ, có nơi đã "cháy" phòng

 

Mở màn mùa du lịch hè 2012, ngay trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, nhiều địa phương tổ chức lễ hội du lịch. Theo đánh giá của các hãng lữ hành, những điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Sa Pa… vẫn được nhiều du khách lựa chọn. Dự báo, tình trạng quá tải, "chặt chém", "cháy" phòng khách sạn sẽ tái diễn ở những nơi này.

 

Sự kiện được nhiều người mong đợi là cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) 2012 - diễn ra trong hai ngày 29 và 30-4. So với 4 lần tổ chức trước, các hoạt động phụ trợ sẽ diễn ra hoành tráng hơn. Một số chương trình, điểm du lịch nổi bật sẽ được TP Đà Nẵng đưa vào khai thác trong dịp này như khu vui chơi Fantasy Park, suối khoáng nóng Phước Nhơn, tour trực thăng khám phá Đà Nẵng, chương trình âm nhạc đường phố. Dù đã tăng thêm tour, mở thêm dịch vụ đến thành phố sông Hàn, nhưng đến nay, các tour xem pháo hoa gần như đã khóa sổ.

 

Tuần Du lịch Hạ Long 2012 diễn ra từ ngày 24-4 đến 2-5, dự kiến thu hút khoảng 10 vạn lượt du khách. Tại Bãi Cháy, nơi diễn ra Lễ hội đường phố Canaval Hạ Long, hơn 300 cơ sở lưu trú với hơn 7.400 phòng đã kín chỗ từ lâu. Không chỉ lên phương án chuyển khách sang Hòn Gai, nơi có hơn 140 khách sạn và khoảng 1.200 phòng nghỉ đêm trên tàu du lịch, ngành du lịch Quảng Ninh đã tính tới việc huy động các điểm lưu trú lân cận và hình thức homestay (ở nhà dân) nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

 Lào Cai cũng đang "nóng" với Lễ hội trên mây Sa Pa trong khuôn khổ chương trình du lịch "Về cội nguồn 2012" do 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ phối hợp tổ chức (diễn ra từ ngày 27-4 đến 4-5), ước tính lượng khách đến Sa Pa trong 4 ngày nghỉ lễ có thể lên tới 10.000 người. Ngay từ đầu tháng 4, các khách sạn lớn ở Sa Pa đều đã kín chỗ; tại các nhà nghỉ bình dân, 80% số phòng nghỉ đã được khách đăng ký trước.

 

"Biếu" khách Việt cho tour ngoại

 

Để tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông, "cháy" phòng nghỉ, nạn "chặt chém"… trong dịp nghỉ lễ năm nay, nhiều người chọn ra nước ngoài "đổi gió". Anh Đặng Minh Quang, chủ cửa hàng sim thẻ số 145 Ngọc Lâm - Long Biên cho hay: "Giá tour trong nước năm nay có khi còn cao hơn so với giá tour du lịch nước ngoài dù chất lượng dịch vụ trong nước không bằng, khó đặt phòng. Bởi vậy mà gia đình tôi chọn du lịch nước ngoài".

 

Thực ra, đến thời điểm này, chỉ có những tour "hot" đến Sa Pa, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… là khó đặt, còn lại đều trong tình trạng chờ khách. Sự "ồn ào" ở những điểm du lịch "thời thượng" trong nước đã khiến nhiều khách chọn tour ngoại và điều đó làm cho các điểm đến khác chịu thiệt thòi. Trong khi nhiều tour nội còn chờ khách thì các tour đến Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Campuchia… hiện đã "đủ khách". Chị Thu Anh, đại diện truyền thông Công ty Vietrantour cho biết, những ngày gần đây, số lượng khách gọi điện đặt tour tăng đột biến. Trong dịp 30-4, công ty dự kiến đưa 2.000 khách đi du lịch, nghỉ dưỡng và hiện lượng khách đặt tour trong và ngoài nước của Vietrantour đã đạt tới 90% kế hoạch đề ra, chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào tour xuất ngoại. Sự thể là do năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam khá yếu, cả về giá tour và chất lượng dịch vụ.

 

Tại HanoiRedtours, hiện các tour đi Malaysia, Thái Lan và Hồng Kông trong dịp nghỉ lễ sắp tới gần như kín chỗ. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour, đây là thời kỳ cao điểm nên giá tour trong nước dịp này có sự chênh lệch so với giá ngày thường, đặc biệt là sau 2 lần điều chỉnh tăng giá vé máy bay của các hãng hàng không nên mức giá tour có nơi tăng đến 30%... Đối với tour nước ngoài, tuyến xa, dù là tour "cao cấp" thì giá vẫn không có sự thay đổi so với ngày thường, còn với các tuyến "phổ thông" đi Trung Quốc, Hồng Kông, Đông Nam Á, giá tour cũng chỉ tăng nhẹ 5-10%.

 

Có thể lấy lại vị thế "sân nhà"?

 

Nói về thắng cảnh, Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực. Vậy thì vì sao du lịch nước ta lại bị yếu thế ngay trên "sân nhà"?

 

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, dù tiềm năng không bằng nước ta nhưng nhiều nước trong khu vực và trên thế giới biết cách hợp sức làm du lịch. Không chỉ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá ở nước ta, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… còn có chính sách giữ giá ổn định, hợp lý. Làm được điều đó là bởi ngành du lịch các nước đó có sự liên kết rất tốt với các hãng hàng không, khách sạn, cơ sở cung cấp dịch vụ. Để kích cầu du lịch trong nước, Vietravel đã kết hợp với các đối tác vận chuyển, dịch vụ lưu trú, nhà hàng đưa ra những chương trình giảm giá "sâu" như tuyến miền Bắc có mức giảm đến 2 triệu đồng, tuyến miền Trung giảm từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng... Nhờ vậy, công ty đã đáp ứng nhu cầu của lượng lớn du khách nội địa và "kéo lại" được một phần khách. Hiện nay, lượng khách đặt tour nội và tour ngoại của Vietravel đã có sự cân bằng và về cơ bản, có khoảng 95% trong tổng số 25.000 khách mà công ty dự kiến phục vụ trong dịp này đã đặt tour.

 

"Hợp sức" làm du lịch, đó là điều cần làm để du lịch Việt Nam giành lại vị thế đáng có so với tiềm năng. Tuy nhiên, đến bao giờ mới làm được điều đó?