Nguy cơ biến mất một phường rối

17:40, 22/04/2012

Là một trong hai phường rối ít ỏi còn tồn tại trên địa bàn huyện Định Hoá với tuổi đời vài trăm năm, phường rối Du Nghệ (thuộc xóm Du Nghệ 2, xã Đồng Thịnh) không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là nét đẹp văn hoá dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nơi Thủ đô kháng chiến. Xong điều đáng buồn là nét đẹp văn hoá truyền thống ấy đang đứng trước nguy bị mai một.

Rối Tày Du Nghệ có nhiều nét riêng so với các loại hình rối cạn khác. Nội dung các vở diễn của phường rối Du Nghệ là tái hiện lại cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Một bộ rối gồm: một con rối tượng trưng cho người, một con trâu mô phỏng, một con tắc kè cùng cày, bừa và các vật dụng nông nghiệp khác… Một biểu biểu diễn kéo dài khoảng 30 phút, diễn xướng về 4 mùa, xuân, hạ, thu, đông. Trong đó con tắc kè có vai trò báo hiệu cho mùa và thời tiết, số lần kêu của nó thể hiện thời tiết nắng hay mưa. Nét độc đáo của rối Tày Du Nghệ là các con rối được điểu khiển bằng tay. Ví dụ như, tiết mục tắc kè leo cây thì người leo lên trực tiếp; tiết mục đi cày thì nhân vật hóa trang luôn thành con trâu để kéo cày… Kịch bản màn múa rối được giữ nguyên không thay đổi qua hàng trăm năm.

 

Nhưng tất cả những điều đó giờ chỉ còn tồn tại trong ký ức những nghệ nhân và khán giả từng được xem biểu diễn vì lần biểu diễn cuối cùng của phường rối Du Nghệ cách đây đã 2 năm. Đó là lần biểu diễn tại Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hoá năm 2010. Kể từ đó đến nay, những con rối ấy chưa thêm một lần lên sân khấu. Ông Hoàng Văn Lê, chủ phường rối đã bước sang tuổi 72, mắt đã mờ, chân chậm, lại thêm mắc bệnh gan, nên sức khoẻ rất yếu, nhưng những năm tháng tuổi già ông vẫn luôn đau đáu, trăn trở rồi phường rối sẽ đi về đâu! Gắn bó với những con rối từ năm 12 tuổi. Khi mới 20 tuổi ông đã được giao trọng trách là chủ phường rối. Ông đã đưa phường rối đi biểu diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả Thủ đô Hà Nội, nhận được sự yêu mến và tán thưởng của biết bao người yên môn nghệ thuật truyền thống này. Hơn 60 năm ông dành tình cảm và tâm huyết cho phường rối. Đến nay, đứng trước nguy cơ phường rối không còn tồn tại, ông không thể yên lòng. Ông bảo: “Tôi chỉ mong phường rối được gây dựng lại, những người trong phường sẽ lại được mang con rối đi biểu diễn. Tụi trẻ sẽ hiểu thêm những giá trị tinh thần sâu sắc từ môn nghệ thuật này để kế tục và duy trì nó”.

 

Cùng suy nghĩ và trăn trở như ông Hoàng Văn Lê, ông Hoàng Văn Nguyên, người chuyên làm con rối cho phường Du Nghệ buồn bã cho biết: Con rối cuối cùng ông làm cách đây đã được 10 năm. Đẽo con rối không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê của ông. Giờ đẽo ra cũng chẳng để làm gì nên ông không còn đẽo nữa.

 

Khác với phường rối Thẩm Rộc (xã Bình Yên) chỉ giới hạn trong dòng họ Ma Quang, rối Du Nghệ không phân biệt dòng họ, miễn là có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Nhưng có lẽ vì thiếu cái “duyên” nên trong khi phường rối Thẩm Rộc đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, được hỗ trợ tiền để biểu diễn ở nhiều nơi thì rối Tày Du Nghệ lại gần như bị lãng quên và có nguy cơ biến mất. Trước năm 1992, khi còn có Hợp tác xã (HTX) Du Nghệ, phường rối tổ chức biển diễn mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán để phục vụ bà con địa phương. Sau đó, HTX giải thể, phường rối ít hoạt động do không có kinh phí. Đến năm 2002, được sự động viện của Chi bộ xóm, những người tâm huyết trong phường, đã quyết tâm phục dựng lại phường rối. Từ đó, phường rối đã tổ chức biểu diễn hàng năm, được mời biểu diễn tại lễ hội Lồng Tồng. Năm 2006, các nghệ nhân còn được mời đi biểu diễn tại Hà Nội và một số địa phương khác trong tỉnh. Mỗi lần đi biểu biễn như thế họ chỉ được hỗ trợ tiền ăn và phương tiện đi lại. Dù các thành viên trong phường đều là những người tâm huyết, đến với rối cạn vì niềm đam mê, xong để có thể duy trì hoạt động thường xuyên không thể thiếu kinh phí. Trước mỗi lần đi biểu diễn, các thành viên trong phường phải tập luyện hàng tuần. Trong khi đó, phường không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên phải ngừng hoạt động.

 

Để có thể lưu giữ và phát triển nét văn hoá truyền thống đặc sắc này, phường rối Du Nghệ rất cần được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện để có kinh phí luyện tập và biểu diễn thường xuyên. Quan trọng hơn là nếu duy trì được hoạt động của phường rối sẽ góp phần giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ biết yêu và có tinh thần gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc mình.