Ngày bé, mỗi lần mẹ tôi đi Chợ Chu là phải thức từ 3 giờ sáng, gồng gánh nào là cái măng, là quả đu đủ, cũng có khi là củ mài… để mang tới chợ bán. Khi mẹ về đến nhà cũng đã nửa buổi chiều, trên quang gánh là những món quà mà tụi trẻ vô cùng yêu thích. Khi là chiếc bánh trứng kiến bùi béo, khi là chiếc kẹo kéo ngọt lịm, có khi là manh áo hoa mới, mặc vào vô cùng hãnh diện với bạn bè.
Trong ý nghĩ của bọn trẻ con chúng tôi, Chợ Chu là một nơi có thể cho chúng tôi tất cả mọi thứ. Còn bà tôi, vẫn luôn tự hào với món “măng mai Chợ Chu nấu với vịt bầu Bắc Kạn”, một đặc sản mà chỉ vùng quê này mới có. Lớn lên, khi có ít nhiều hiểu biết, tôi biết thêm rằng Chợ Chu có những điều đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có.
Theo sử sách, Chợ Chu thuộc thị trấn Chợ Chu là một trong những chợ có lịch sử lâu đời nhất của huyện Định Hóa. Nơi đây không những là chứng tích nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước mà còn là một chợ quê độc đáo, còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa đặc trưng của những phiên chợ vùng cao.
Sách Đại Nam nhất thống chí (xuất bản năm 1982) có ghi: “Chợ Chu là chợ xưa cũ của người dân vùng Châu Định (nay là Định Hóa), xứ Thái Nguyên. Chợ họp vào ngày 3, ngày 8. Đủ các dân tộc ở địa phương như: Mán sơn đầu, Mán đại bản, Thổ, Cao lan, San chí, Kinh, Hoa…từ tứ xứ đổ về buôn bán đủ các loại sản vật như củ nâu, mật ong, vải vóc, chè, các loại dược liệu và cả phượng hoàng đất - là thứ đặc sản của vùng. Người miền xuôi mang muối, dầu, cá mắm…đến trao đổi. Người dân ở xa từ tổng Nghĩa Tá, Yên Sơn hay vùng Quảng Nạp (Bình Thành) đều về Chợ Chu buôn bán. Người thì đi ngựa, người thì gồng gánh đến chợ từ chiều hôm trước gọi là chợ chiều, mọi người nghỉ ngơi đến sáng hôm sau để buôn bán”.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Chợ Chu với vai trò là trung tâm buôn bán của vùng đã được thực dân Pháp đưa vào khai thác triệt để. Năm 1915, thực dân Pháp đã cho xây dựng tại đây một trung tâm thương mại mang dáng dấp kiến trúc của Pháp. Cấu trúc của Chợ gồm 3 đình chợ rộng gần một nghìn m2. Trong khuôn viên bể ngầm chứa được 36.000m3 nước phục vụ cho các hoạt động của chợ.
Ngoài ra, thực dân Pháp còn cho xây dựng 2 tuyến phố là Thống Nhất và Hoàn Bình, cùng vỉa hè, hệ thống thoát nước dọc 2 bên chợ. Ngoài việc giao thương, chúng còn mở các sòng bạc, cửa hàng thuốc phiện để đầu độc nhân dân. Trong cuốn Lịch sử Chợ Chu (xuất bản năm 2000) ghi rõ: Tới nay, các đình chợ, nền gạch, hệ thống thoát nước vẫn còn gần như nguyên vẹn so với khi xây dựng. Những hàng cây Bàng quanh chợ cũng có tuổi đời ngót một trăm năm.
Ngày 26-3-1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cây đa Chợ Chu (ngay cổng chợ) báo hiệu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Định Hóa thành công. Ngày 28-3-1945, toàn thể nhân dân trong huyện mang theo biểu ngữ, cờ đỏ từ các ngả kéo về cây đa Chợ Chu dự mít tinh. Đại diện đoàn thể Việt Minh đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai do thực dân Pháp dựng nên, đọc và giải thích chương trình điều lệ Việt Minh, hô hào nhân dân các dân tộc trong huyện tham gia các đoàn thể cứu quốc, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Sau cách mạng tháng 8-1945, cùng với việc diệt giặc đói, giặc ngoại xâm thì diệt giặc dốt là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Để diệt giặc dốt hiệu quả, tại các ngả đường vào chợ, Ban bình dân học vụ đã dựng lên những cổng chào, nếu người nào đọc được chữ thì được đi qua cổng vào chợ. Vào những hôm không họp phiên, các lớp học xóa mù cũng được mở ngay giữa chợ để dạy chữ cho bà con.
Cho đến nay, mặc dù trên địa bàn huyện Định Hóa có nhiều chợ được mở ra để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa, nhưng Chợ Chu với vai trò là chợ trung tâm vẫn giữ vai trò chủ đạo, quan trọng trong cuộc sống của người dân địa phương. Trong tâm thức của người dân, Chợ Chu vẫn là chợ huyện họp vào các ngày 3, ngày 8 dương lịch. Mỗi lần tới phiên chợ, những tư thương từ Nam Định, Thái Bình hay từ thành phố Thái Nguyên… lại tới đây để mua bán trao đổi hàng hóa. Chợ Chu có bày bán những sản vật đặc trưng của núi rừng Định Hóa. Đó là măng rừng, gạo Bao thai, mộc nhĩ… Điều đặc biệt, tại các buổi họp phiên, Chợ Chu còn có bán những mảnh vải nhuộm chàm do chính bàn tay khéo léo của người dân địa phương làm ra.
Mỗi lần về quê, tôi lại đi Chợ Chu, lang thang ngắm những bộ váy đủ màu sắc của các cô gái dân tộc Mông, hay bộ quần áo dân tộc Dao của các bà bán thuốc nam, hay chỉ để ăn chiếc bánh trứng kiến béo bùi mà tôi ưa thích để nhớ cái hồn quê, cái chợ mang trong tim một thời.