Về Lân Quan cùng người Mông trảy hội

17:30, 28/04/2012

Trong ánh nắng rực rỡ cuối tháng 4, chúng tôi tìm về xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) để hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt, đầy màu sắc trong Ngày hội văn hoá, thể thao của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.
 

Sau khi tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ quần chúng của đồng bào dân tộc Sán Chí và dân tộc Nùng trên địa bàn huyện, năm nay, huyện Đồng Hỷ tổ chức Ngày hội văn hoá-thể thao dân tộc Mông nhằm củng cố, phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng thôn, bản; quảng bá và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Xóm Lân Quan được chọn làm nơi tổ chức ngày hội bởi lẽ, đây là xóm có 100% người dân tộc Mông trắng, vị trí của xóm nằm ở khu vực trung tâm, địa hình thuận lợi cho bà con dân tộc Mông ở các xóm, bản lân cận về dự hội.

 

Toàn cảnh bản Lân Quan

 

Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường đã rộn tiếng nói, tiếng cười của dòng người đi trảy hội. Tại Phân trường Tiểu học Lân Quan, 60 vận động viên, diễn viên không chuyên cùng đông đảo bà con trong bản và du khách thập phương cùng tụ họp để tham gia Ngày hội. Ngay sau phần tuyên bố khai mạc của đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, các vận động viên, diễn viên chia làm 4 đội thi, cùng nhau đua tài trong các phần thi mang đậm bản sắc, nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Các phần thi được tổ chức đan xen, tạo ra bầu không khí hồ hởi, náo nhiệt, cuốn hút mọi người.

 

Một tiết mục văn nghệ của đội thông tin lưu động huyện và bà con dân bản.

 

Đầu tiên là phần thi trình diễn trang phục truyền thống của các chàng trai, cô gái người Mông. Với trang phục gồm váy xoè, áo, dây thắt lưng và yếm áo, phụ nữ đeo thêm khăn hoặc đội mũ trên đầu, đàn ông thì mặc quần áo truyền thống, họ cùng sánh bước duyên dáng, phô diễn nét đẹp riêng của dân tộc mình. Trong tiếng reo hò cổ vũ âm vang khắp núi rừng, ánh mắt của những người già, em thơ đều lấp lánh một niềm vui hân hoan, đoàn kết, thân tình. Tiếp đó, bà con và du khách về dự hội được đắm chìm trong những làn điệu dân ca Mông du dương, tình tứ, xao động lòng người, những điệu múa xòe, điệu khèn, kèn lá, sáo môi… với nội dung ca ngợi quê hương đất nước, con người, trong đó nhiều bài hát được bà con chuyển từ tiếng Kinh sang tiếng dân tộc Mông.

 

Đẩy gậy, môn thể thao được người Mông rất ưa thích

 

Chị Trương Thị Chua, diễn viên của đội thi Hương Rừng chia sẻ: Khi huyện có kế hoạch tổ chức ngày hội văn hóa tại xóm, chúng tôi rất háo hức chờ đón, đồng thời chăm chỉ luyện tập những bài hát hay, điệu múa đẹp mang đậm nét văn hoá dân tộc Mông để gửi đến bà con và du khách tới vui hội. Bên cạnh đó, người dân của bản đã cùng nhau đua tài qua các trò chơi dân gian gắn liền với đời sống của họ như: Kéo co, đẩy gậy, đánh cù, thi chọi chim họa mi...

 

Trong lần tổ chức đầu tiên này, phần thi mà mọi người chờ đợi và háo hức nhất chính là phần thi chế biến mèn mén, món ăn không thể thiếu từ bao đời nay của bà con người Mông. Người Mông quan niệm: là người con gái Mông thì phải biết thêu thùa, biết thương chồng thương con, chăm lo cho bố mẹ chồng và đặc biệt phải biết chế biến mèn mén. Trong phần thi của mình, các cô gái Mông nhanh tay chuẩn bị ngô tẻ, xay nhuyễn ngô bằng cối đá, sàng ngô thật kỹ , sau đó trộn bột ngô với một ít nước, bóp nhẹ tay để nước thấm đều rồi mới cho vào chõ để đồ. Ông Dương Văn Sơn, ở xóm Làng Mới, xã Tân Long cho biết: Tôi thấy những nét văn hoá của đồng bào dân tộc Mông ở Lân Quan rất đặc sắc. Hôm nay, tôi vượt hơn chục cây số đường đèo dốc đến đây để dự hội và thưởng thức món mèn mén đặc trưng của người Mông, nó thực sự rất ngon.

 

 Từ lâu nay, bà con nhân dân bản Lân Quan đã bỏ được nhiều tập quán lạc hậu, biết áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

 

Trời về chiều, ánh nắng nhạt dần sau đỉnh núi cũng là lúc bà con trong xóm và du khách thập phương lưu luyến chia tay nhau, ai cũng bịn rịn không muốn rời xa bởi đã thấm trong nhau tình anh em đoàn kết, chia sẻ. Ai cũng tự nhủ rằng sẽ lại đến Lân Quan để cùng nhau làm mèn mén, cùng nghe những điệu hát ru ngọt ngào, đắm mình trong tiếng khèn, điệu múa xòe độc đáo qua đó góp phần lưu giữ nét bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.