Hôm qua (7/5), Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Viện Văn học Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Hôm qua (7/5), Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Viện Văn học Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 - 6/5/2012). Lễ kỷ niệm có sự góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi của Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu văn học.
Trong Lễ kỷ niệm, có hơn 10 tham luận của các văn nghệ sĩ, học giả đánh giá lại những giá trị sâu sắc, có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội). Từ một người tự học, tự đào luyện mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hóa có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực văn học và sân khấu với tư cách tác giả của những tác phẩm đỉnh cao: “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”, “Đêm hội Long Trì”, “Sống mãi với Thủ đô”…
Từ trước cách mạng ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đồng thời là giám đốc đầu tiên của nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ mà thôi” (Nhật kí, 19/12/1930). Sự nghiệp lớn lao mà ông để lại đã chứng tỏ điều đó, không những thế còn có tác dụng nuôi dưỡng trong mỗi người đọc tình yêu đối với đất nước, đối với tiếng Việt.