Lên bản Mông xem chọi Họa mi

09:51, 10/05/2012

Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông được tổ chức lần thứ Nhất ở xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chọi chim Họa mi đã thu hút hàng trăm du khách bởi sự độc đáo…

Đây là lần đầu tiên cuộc thi chọi chim Họa mi được tổ chức quy mô nên đã thu hút sự quan tâm của khá đông du khách. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê với loài chim quý này. Tuy chưa đến giờ thi đấu nhưng không khí ở sới chim Họa mi đã rất nhộn nhịp, người đến xem thì tranh thủ tìm cho mình một chỗ ngồi dễ nhìn, người mang chim đi thi đấu lại mải mê chăm sóc chú chim chiến trước khi cho chúng ra sới chọi, ai cũng háo hức chờ đón “bữa tiệc” tranh tài, khoe sắc của những “đấu sĩ” rừng xanh mang đến cho ngày hội. Ông Chẩn Văn Vàng, ở xóm Trung Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) cho biết: mình mới chơi Họa mi chọi được hai năm thôi, đây là lần đầu tiên tham gia thi đấu nên hồi hộp lắm, mong sẽ được một cái giải thưởng đem về.

 

Xem chọi chim Họa mi không giống như các hình thức chọi khác bởi khi cuộc thi chính thức bắt đầu, hai đôi Họa mi được đặt ra giữa sới thì tất cả mọi người đều không được di chuyển và phải giữ im lặng tuyệt đối để chim không sợ. Luật chơi quy định, khi trọng tài hô “mở áo” (khăn trùm lồng chim), rồi “rút cửa thẻ” là tính giờ thi đấu, cứ 1 giây là một điểm. Nếu con chim nào sau khi đối thủ 3 lần nhảy vào cửa giáp đấu mà không chịu xuống “đấu mỏ” là bị xử thua.

 

Họa mi chiến sẽ thi đấu liên tục, chim thắng ở lại tiếp đối thủ cho tới khi nào gặp đối thủ mạnh hơn và bị thua mới thôi. Các đòn đánh khóa đầu (dùng chân ghìm đầu đối thủ xuống), khóa cánh (dùng chân giữ cánh), khóa chân (chân của hai bên giữ chặt lấy nhau) đều có giới hạn ngăn cách ở cửa chiến để hai đối thủ không thể chui sang lồng của nhau mà chỉ có thể đánh “giáp lá cà”.

 

Tại cuộc thi chọi chim lần này có 14 người đăng ký tham gia chơi, ngay từ trận đấu mở màn, hai chú mi chiến đã hút mắt khán giả bằng những đòn đấu chân, đấu mỏ nảy lửa. Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm chơi Họa mi chọi, vừa quan sát trận đấu ông Chẩn Văn Giàng ở xóm Lân Quan, xã Tân Long vừa cho biết: Họa mi có tính hiếu thắng và có bản năng tranh giành chim mái, muốn con trống hăng hái thi đá thì phải đặt lồng chim mái cạnh nó. Khi vào trận, Họa mi mái sẽ vẫy hai đầu cánh, nhảy lên thành lồng cất tiếng hót lảnh lót để khích lệ chim trống đánh trận.

 

Càng về cuối cuộc thi, người xem càng cảm thấy hồi hộp khi các chú chim ngang tài ngang sức tranh giải Nhất, Nhì, Ba. Những cuộc mua bán chim cũng được bắt đầu khi chủ chim mang chúng ra khỏi sới chọi. Mỗi chú chim có khả năng thi đấu thường có giá từ 2 đến 6 triệu đồng, những con chịu đòn, dai sức có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Kết thúc cuộc thi lần này, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho chú chim chiến của anh Đào Văn Dê, ở xóm Lân Quan. Sau khi công bố kết quả, nhiều người đề nghị anh bán chú chim này nhưng anh Dê nhất quyết từ chối, anh bảo: Hội thi lần sau mình còn đem đi thi đấu tiếp chứ.

 

Tìm hiểu thêm về thú chơi Họa mi chọi, chúng tôi được biết: Để có một con Mi chọi chuẩn (mắt sắc, chân dài, mỏ thanh mỏng, lông mềm, cánh dài xã xuống, ngực to khỏe, đuôi thẻ bài…), người yêu chim phải lặn lội lên các bản làng vùng cao miền sơn cước để tìm kiếm, tuyển lựa. Sau đó phải kiên nhẫn tập cho chim dạn người và quen với cuộc sống trong lồng bằng cách treo chúng ở trước hiên nhà, nơi có nhiều người qua lại. Khi chim đã dạn người lại cần tập cho chân chim săn chắc để khi thi đấu nó sẽ bấu chắc vào đối thủ khiến đối thủ không xoay sở được, muốn thế phải thường xuyên xách lồng chim vừa đi vừa đánh mạnh vào lồng để chim bám chắc vào cầu đậu, vách lồng.

 

Thời gian huấn luyện một chú chim chiến phải mất khoảng từ hai đến ba tháng, mỗi chú chim chiến sẽ thi đấu từ năm 3 tuổi đến năm 10 tuổi, một năm, Họa mi chỉ nên thi đấu khoảng 3 lần để có thời gian nghỉ ngơi cho lại sức. Chia sẻ thêm về cách chăm chim, anh Hoàng Văn Hồng, ở xóm Chòi Hồng (Võ Nhai) cho biết: Họa mi phải tắm thường xuyên thì chim mới nhanh nhẹn, không bị ủ rũ. Thức ăn chính của Họa mi là tấm, gạo rang trộn lòng đỏ trứng gà, ngoài ra có thể cho ăn thêm cào cào, châu chấu nhưng phải vặt chân để chim không bị hóc hay xước cổ họng.

 

Chơi Họa mi chọi tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng nó đã trở thành niềm đam mê của nhiều người, việc tổ chức các cuộc thi chọi chim tại những ngày hội lớn đã thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần thượng võ song bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền cho người dân không được tổ chức săn bắt, mua bán chim để bảo vệ loài chim quý hiếm của thiên nhiên.