Đất thiêng Quảng Trị mùa tri ân

08:40, 29/06/2012

"Khi vào viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, con hãy bước nhẹ thôi và kiềm chế cảm xúc, đừng để mình bật khóc…" . Tôi đã cố nén lòng để làm đúng lời dặn của bác cựu chiến binh (CCB) hàng xóm khi bước chân vào nơi ấy, nhưng nào có được.

Cả rừng ngôi sao vàng, miên man những hàng mộ trắng. Dù đã cố lặng lẽ, khẽ khàng mà sao nước mắt cứ trào ra. Trời lặng gió, chỉ còn nắng, như tưới lửa, chói chang, hầm hập. Lời khấn tri ân hương hồn đồng đội của các CCB Báo Hànộimới và những cây nhang cứ run lên bần bật giữa trưa hè…

 

1. Nghĩa trang liệt sĩ thì ở bất kỳ vùng quê nào cũng có. Vẫn những ngôi sao vàng đắp nổi trên bia mộ trắng tinh, nhỏ nhắn, hàng nối hàng, đều tăm tắp, ngay ngắn như đội hình các anh trước giờ ra trận. Nhưng ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 trên đất Quảng Trị nắng lửa này thì như khác hơn, bởi đây là những “ địa chỉ đỏ” nơi quy tụ hài cốt của hàng vạn liệt sĩ đến từ nhiều vùng quê đất Việt, và các anh trở về từ khắp các chiến trường. Ở đó, là hàng vạn cuộc đời, hoàn cảnh khác nhau trước giờ nhập ngũ… Còn nay, khi các anh đứng chung trong “đội hình trắng”, thẳng tắp, nghiêm trang đấy mà cứ khiến nước mắt của tất thảy những ai viếng thăm cứ trào ra, run rẩy khi lần theo từng dòng tên tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh… mờ tỏ trên bia mộ.

 

Gần như tất cả các anh là những người con ưu tú của các vùng quê, ra đi khi tuổi mới mười tám, đôi mươi, ai biết được trong số đó có bao nhiêu người từng ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, hay đơn giản chỉ làm người thợ, hoặc nông dân vui với ruộng đồng… Ấy thế mà, đất nước có hòa bình đã 37 năm rồi, vẫn còn đó bao nhiêu tấm bia im lìm với dòng chữ, “Liệt sĩ chưa biết tên”. Ở nghĩa trang Đường 9, nơi an nghỉ của hơn một vạn anh hùng, liệt sĩ (con số tương đối vì có những ngôi mộ tập thể), nhưng chỉ có 3.227 liệt sĩ đã xác định được tên tuổi, quê quán. Hay ở “nghĩa trang không mộ” Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn, vẫn còn đó biết bao liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập dân tộc hôm nay. Câu thơ: “Đò qua Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” mỗi lần đọc lên là mỗi lần mắt, môi nhòe lệ, rớm máu. Vì thế, thật dễ đồng cảm khi ai đó nói rằng “Vùng đất Quảng Trị từ lâu đã không còn là địa danh của một địa phương mà đã là biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng”.

 

2. Nắng chính hạ. Gió phơn - thứ gió tây khô khốc thổi rát mặt vẫn không thể ngăn bước chân của hàng ngàn người con trên khắp mọi miền Tổ quốc về với đất thiêng Quảng Trị. Họ về đây với biết bao tâm trạng: thực hiện tâm nguyện thắp một nén nhang thơm để tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân các anh hùng liệt sĩ; mong ước tìm được người thân còn nằm đâu đó trong 72 nghĩa trang trên đất Quảng Trị; dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị hay như là cuộc hành quân về chiến trường xưa, nơi còn lưu giữ bao kỷ niệm một thời lửa và máu cùng đồng đội của CCB các Sư đoàn 308, 320… Dù thế nào thì tất thảy họ đều hướng về Quảng Trị chung một cảm xúc như những người con xa quê lâu ngày trở lại. Bởi trong hành trình từ Bắc vào Nam, vùng đất hẹp Quảng Trị chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước ròng rã 20 năm và cũng là nơi yên nghỉ của hơn 60 nghìn liệt sĩ là con em mọi miền đất nước.

 

Tôi đã gặp trong nghĩa trang những bà mẹ hao gầy, nhẹ xoa bàn tay trên tấm bia mộ, như đang vỗ về, thủ thỉ với người nằm dưới mộ - nhớ thuở nào mẹ vẫn từng âu yếm các con. Ở góc xa hơn những người chị cặm cụi, giấu đi những giọt nước mắt sau vành nón, cố bước thật nhanh qua từng hàng mộ, chỉ mong thắp đủ cho đồng đội của em mỗi người một nén nhang mang tới từ quê nhà. Chợt nhớ hình ảnh buổi tối Lễ khánh thành Bến thả hoa bên dòng Thạch Hãn, cả đoạn dài bờ sông người ken trong người, đông là thế, nhưng chỉ thấy trên những gương mặt trang nghiêm hai hàng nước mắt chảy, những đèn hoa lung linh ánh nến, huyền ảo trôi trong không gian u tịch. Không gian thiền tĩnh bao trùm. Khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, giữa người còn sống và người đã khuất bỗng như gần lại. Và tôi hiểu các anh đã hy sinh, nhưng các anh vẫn sống mãi trong tâm trí của những người ruột thịt, các anh vẫn luôn sống cùng đất nước.

 

3. Mùa tri ân (bắt đầu từ tháng tư), người từ mọi miền đổ về Quảng Trị đông hơn thường lệ và vì thế tôi đã có những cuộc gặp gỡ tình cờ, để hiểu hơn về những mất mát hy sinh thầm lặng của người lính và cả những ân tình của người còn ở lại. Như buổi sớm mai, trong thành cổ Quảng Trị, tôi đã gặp các cụ cao tuổi nắm tay nhau bước bên những ô cỏ xanh, họ đọc cho nhau nghe câu thơ: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”… khiến trong tôi nhói đau điều gì đó không thể nói thành lời. Sau tôi mới biết, đây là đoàn cán bộ lão thành cách mạng đến từ xã Định Liên, Yên Định (Thanh Hóa). Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đài cho biết, các cụ yêu cầu được đến Thành cổ từ sáng sớm để mang chuyện đời, chuyện quê mình kể cho các liệt sĩ nghe. Và, biết đâu đấy, trong tầng sâu cổ thành rộng 16ha này còn nằm lại những liệt sĩ là người con Thanh Hóa xa quê 40 năm rồi, nghe được? Lặng lẽ ngắm mây sớm bồng bềnh trôi giữa cỏ lau, anh Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đoàn xã Định Liên kể rằng, từ ở nhà các cụ đã bảo, cỏ lau Thành cổ không giống cỏ lau ở bất kỳ vùng đất nào, nó có thể xanh miên man cả trong những ngày nắng cháy. Cứ đến tháng 7 là lau lại trổ hoa, phơ phất trắng đến nao lòng. Vì thế người Quảng Trị ví hoa cỏ lau Thành cổ là hồn người chiến sĩ, có bao nhiêu hoa cỏ lau nở trắng là bấy nhiêu người con ưu tú đã ngã xuống vì mảnh đất này...

 

Góp chung câu chuyện trong buổi sớm với đoàn cán bộ lão thành tỉnh Thanh, bác Võ Thị Thùy (70 tuổi, Quang Trung, Quảng Trị) kể rằng, người dân Quảng Trị dù đã quá quen với hình ảnh từng đoàn người thân đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng vẫn nhói đau, xót lòng theo mỗi chuyến đi của người mẹ tìm mộ con, người vợ tìm chồng, của những người con lớn lên chưa được thấy mặt cha, của những cựu chiến binh đi tìm lại đồng đội… Chỉ theo những gì còn lưu giữ trong bảo tàng Thành cổ cũng đủ thấy cuộc chiến đấu 81 ngày đêm tại đây là quá sức tưởng tượng về sự khốc liệt của chiến tranh và sức chịu đựng của con người. Giờ đây, dưới lớp đất nuôi dưỡng vạt cỏ non xanh tươi Thành cổ hay trong dòng nước ngọt trong Thạch Hãn, có ai đo được còn bao máu xương của bộ đội đã anh dũng hy sinh… Vì thế, nhà ở gần Thành cổ nên sớm nào bác Thùy cũng vào thắp hương các anh, thay lời cảm ơn của người dân Quảng Trị gửi tới các bà, các mẹ, các chị trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã gửi những người thân yêu vào tuyến lửa, mang bình yên về cho cuộc sống của chúng tôi hôm nay.

 

Không ai biết chính xác có bao nhiêu chiến sĩ hy sinh, đã vĩnh viễn nằm lại với đất thiêng Quảng Trị… Song có một điều chắc chắn sự hy sinh ấy không chỉ mãi trường tồn trong niềm tự hào chung của dân tộc, mà nó còn được những người lính trở về từ chiến trường gìn giữ, ngày đêm âm thầm, bền bỉ tiếp “lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ chúng tôi. Đó là những CCB - người lính, nhà giáo một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Viết đến đây tôi lại nhớ, hồi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mỗi lần nghe thầy Phạm Thành Hưng giảng bài, tất cả sinh viên chúng tôi đều mong ước một lần được đến thăm Thành cổ Quảng Trị. Có những giờ giảng, thầy đi sâu vào miền ký ức của cuộc chiến tranh, ở đó có những kỷ niệm đã ngấm vào máu thịt và sẽ tồn tại cho đến khi tim thầy ngừng đập. Thầy bảo, trong ký ức của thầy vẫn đầy ắp những kỷ niệm kiêu hùng về những ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, đơn vị pháo 37, Đại đội 6, Tiểu đoàn 12, Sư đoàn quân tiên phong 308 của thầy đã hy sinh hơn một nửa. Và cứ mỗi lần đưa ra ví dụ về những hình ảnh lãng mạn của anh bộ đội Cụ Hồ trong văn học thời chiến, thầy lại ngậm ngùi bảo với chúng tôi “Cứ có dịp vào đất lửa Quảng Trị thầy lại đi gom những bông cúc trắng - loài hoa mà đồng đội thầy rất thích, đặt lên mộ liệt sĩ như những ngày anh em cùng nhau gom cúc trắng dại trong rừng cắm lên mâm pháo…”.

 

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, nhưng những giọt nước mắt biết ơn của thế hệ hôm nay vẫn không ngừng rơi trước đài liệt sĩ. Và tôi tin khi về với đất thiêng Quảng Trị nhiều người sẽ hiểu được câu nói: “Cứ đến Quảng trị, ở trong mỗi con người chúng ta bỗng nảy ra những điều mà chúng ta không thể dự đoán trước… Chính ở nơi đây ta tự trang bị cho mình những hiểu biết rất nhiều so với cái ta đã biết về quá khứ, giúp ta nhận ra giá trị của hiện tại, hình dung một cách rõ ràng về tương lai và sẽ biết phải tiếp tục làm gì cho xứng đáng với ngày hôm qua”.