Hôm nay, ngày 5/5 âm lịch là Tết Đoan ngọ hay còn gọi là ngày giết sâu bọ. Cũng giống như các địa phương trong cả nước, vào ngày này người dân Thái Nguyên lại háo hức đón Tết.
Đã qua cái thời niên thiếu trông chờ Tết Đoan ngọ để được ăn thỏa thích hoa quả, bánh trái, nhưng cứ đến ngày này tôi lại háo hức như con trẻ. Sớm ra chợ, đã thấy các bà các chị nặng tay hoa quả, rộn rã trên đường. Theo quan niệm của mọi người, những loại quả chua mới diệt được sâu bọ nên vải và mận là hai thứ quả được các bà, các chị lựa chọn nhiều nhất. Cũng nắm bắt từ tâm lý này nên chủ hàng hoa quả tại các chợ từ hôm qua đã mua thêm hàng để phục vụ. Giá của các loại hoa quả không chênh so với ngày thường là bao. Chị Nga, chủ một hàng hoa quả chợ Tân Long, T.P Thái Nguyên cho biết: Giá bán vải và mận chỉ nhích lên so với ngày thường 10%. Đang là mùa vải nên giá cả không lên xuống quá nhiều.
Cùng với hoa quả thì rượu nếp là thứ không thể thiếu trên các mâm thờ của mỗi gia đình. Chính vì thế trong ngày này, hàng rượu nếp trở nên tấp nập hơn bao giờ. Hai mươi nghìn, muời nghìn, thậm chí năm nghìn cũng có thể mua được một đĩa rượu nếp thơm nức, ngọt lịm. Nhiều người ngày thường không hề bán mặt hàng này nhưng tranh thủ ngày Tết cũng làm vài cân gạo bán thêm. Chị Lan, chủ một hàng chè chợ Minh Cầu, T.P Thái Nguyên bảo: hàng ngày tôi chỉ bán chè đỗ đen nhưng hôm nay làm thêm ít rượu nếp bán cho khách quen. Từ nửa tháng trước mọi người đã dặn làm rượu nếp bán mùng năm. Tôi làm ít nên hơn 6h sáng đã bán hết rồi.
Trong ngày Tết Đoan ngọ ở khu vực thành thị với nhiều lo toan công việc, người ta chỉ ra chợ sớm mua hoa quả về thắp hương, mua lá về tắm mát cho con trẻ thì ở nhiều vùng quê ngày này là dịp để các gia đình quây quần chia sẻ vui buồn. Người ta chuẩn bị cho Tết này từ nhiều ngày trước: Mua gạo nếp về làm rượu, mua bột về làm các loại bánh, vừa để cúng gia tiên vừa để chia cho hàng xóm và chờ con cháu về ăn. Chị Nguyễn Thị Hậu, xóm Đình, xã Văn Yên (Đại Từ) cho biết: Năm nào mùng 5 tôi cũng làm rất nhiều bánh từ tối hôm trước. Mang một ít đi Tết ông bà, sáng hôm sau thắp hương sớm ở nhà mình rồi hạ lễ chờ con cháu về ăn. Gần trưa, mấy mẹ con rủ nhau lên rừng hái lá về phơi khô để trẻ con dùng dần. Trên rừng nhiều thứ lá mát, nhưng hái vào ngày này mới có tác dụng.
Tết Đoan ngọ là một phong tục “bình dương kiện âm”, “dĩ hàn khứ nhiệt”, “dùng thủy trị hỏa” mang tính chất tự phát gắn liền với văn hóa dân gian bắt nguồn từ Trung Quốc. Sang Việt Nam, theo thời gian, phong tục này được "Việt hóa" gắn thêm các ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội và quan niệm tâm linh, biến Tết Đoan ngọ thành một phong tục văn hóa thể hiện sâu sắc các đặc trưng cơ bản của tính cách văn hóa dân tộc.