“Thành phố hoa phượng đỏ" đã vẽ lên một Hải Phòng thật đáng yêu, thơ mộng, ngoan cường, anh dũng mà lại giản dị, nên thơ, lạc quan.
Ai đến Hải Phòng vào dịp mùa hè sẽ thấy hoa phượng nở rộ, đỏ rực không gian. Hoa phượng ở thành phố cảng đã có từ ngàn xưa nào ai để ý? Loài hoa này chỉ trở nên đặc biệt thú vị, hấp dẫn, gắn bó thiêng liêng với người Hải Phòng kể từ khi nhạc sĩ Lương Vĩnh cho ra đời bài hát: “Thành phố hoa phượng đỏ”.
“Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ. Ơi Hải Phòng thành phố quê hương. Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất. Những hẹn hò bên bờ sông Lấp. Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm…”. Sinh thời, nhạc sĩ Lương Vĩnh cho biết, ông sáng tác bài hát này vào khoảng thời gian 1969 - 1970. Sinh sống ở Hà Nội, đang làm việc ở Đoàn Ca múa nhạc T.Ư, ông được đi học Trường Âm nhạc Hải Phòng. Với Lương Vĩnh khi ấy, phải coi là “bị” về Hải Phòng, bởi đó không phải là nguyện vọng của ông. Nhưng cũng nhờ chuyến đi ấy, ông đã để lại cho đời một tuyệt tác bất hủ.
Số là khi ấy, Đoàn Ca múa Hải Phòng rất thiếu tiết mục nói về thành phố quê hương mình. Lãnh đạo yêu cầu Lương Vĩnh học trường nhạc ra phải có sáng tác về Hải Phòng. Đang loay hoay không biết viết như thế nào, tìm ý tứ gì thì ông đọc được bài thơ của Hải Như có tên “Thành phố hoa phượng đỏ”. Qua thơ, Hải Phòng hiện lên thật đáng yêu, thơ mộng, ngoan cường, anh dũng, vừa giản dị vừa nên thơ, lạc quan. Thế là Lương Vĩnh quyết định phổ thành bài hát.
Khi đó, Lương Vĩnh mới ngoài 30 tuổi, chưa được công chúng biết đến. Thế mà tác phẩm đầu tiên của ông đã thành công rực rỡ, trở thành “thành phố ca”, được lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng coi như “báu vật”. Bài thơ mang chất chính luận với hơi hướng anh hùng ca. Lương Vĩnh đã tìm được một giai điệu rất phù hợp để chuyển tải tốt nhất nội dung bài thơ. Đó là chất liệu âm nhạc hiện đại với việc tạo dựng hình tượng âm nhạc bề thế, có chiều cao, bề rộng, nghe sừng sững uy nghi nhưng vẫn giữ được tính chất dung dị, mộc mạc. Những quãng giai điệu đắt, những âm hình tiết tấu không cầu kỳ, rắc rối là đặc điểm dễ nhận thấy ở “Thành phố hoa phượng đỏ”.
Bài hát được viết ở thể 2 đoạn khá cân đối, mạch lạc. Một điều khá thú vị là phần sau của đoạn A với lời ca nghe rất tâm tình lắng đọng: “Những bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên. Những cái tên nghe chẳng thơ đâu. Nhưng với ta vô cùng oanh liệt, ôi thân thiết tự hào quê hương”. Người ta chờ đợi bắt đầu vào đoạn B, giai điệu sẽ vút lên như phổ biến ở nhiều bài hát.
Song Lương Vĩnh lại xử lý khác: phát triển giai điệu theo hướng đi xuống. Và đây là những trầm lắng cần thiết như lời thủ thỉ tâm tình dịu nhẹ để ngay sau đó giai điệu vút lên, hào sảng, hoành tráng: “Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt, chưa trọn nghĩa Sài Gòn Đã Nẵng…”. Và sau đó: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu, trăm trận đánh quê ta kiên cường…”. Câu nhạc này được nhắc ở một âm khu cao thật tự nhiên như mạch âm nhạc không thể chảy khác.
“Thành phố hoa phượng đỏ” ra đời đã được hơn 40 năm. Hải Phòng hôm nay phát triển với nhịp điệu của một thành phố công nghiệp và du lịch hiện đại. Những dấu tích của một thời đạn bom trong quá khứ đã được xóa đi thay thế bằng một nhịp sống hối hả, trẻ trung. Nhưng vẫn còn đó “những cái tên nghe chẳng thơ đâu” nhưng đã vô cùng oanh liệt. Và thành phố sẽ càng rực rỡ thêm bởi màu hoa đỏ ối như lửa, bởi “những Bến Bính, Xi măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên”, bởi “những hẹn hò bên bờ sông Lấp”.
Người nghe cảm nhận rõ có sự pha trộn rất hài hòa, nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và anh hùng ca, giữa những tâm sự, tình cảm của con người bình thường nhất nơi đất cảng và một lý trí thép, một khát vọng mãnh liệt của con người trước mọi thử thách, cam go. Sau bài hát này, chưa thấy có bài nào viết về Hải Phòng hay hơn, sâu sắc hơn./.