Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam vì công việc trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng 18% so với cùng kỳ năm, đạt trên 580.000 lượt. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài đã tranh thủ đón thời cơ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng lưu ý, trong 10 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đông (đạt trên 100.000 lượt người), thì có sự góp mặt của nhiều nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc (369.900 lượt); Nhật Bản (289.000 lượt); Mỹ (244.900 lượt); Australia (149.500 lượt)… Và dòng khách quốc tế đến từ những nước này chắc chắn không thể thiếu những nhà đầu tư, doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Nguồn thu ngoại tệ quan trọng
Với lượng khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm đạt trên 3,3 triệu lượt người, thì cả năm 2012 lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt trên 6,7 triệu lượt người. Và với chi tiêu bình quân 1 lượt khách tính bằng USD đạt gần 1.000 USD (cao hơn mức 934 USD của năm 2011), thì số ngoại tệ thu được trong năm 2012 có thể đạt khoảng 6,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kỷ lục 5,62 tỷ USD của năm 2011.
Trong đó, lượng khách quốc tế đến du lịch, nghỉ dưỡng tuy tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng chung (12,7% so với 13,9%) nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất (59,4%). Đạt được kết quả này do nhiều yếu tố. Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được thế giới công nhận, như Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Biển Mỹ Khê, Vịnh Nha Trang,… Một yếu tố quan trọng khác là do cánh kéo tỷ giá (1 USD tại Việt Nam có sức mua tương đương bằng gần 3 USD tại Mỹ), đã làm cho nhiều loại hàng tiêu dùng của Việt Nam từ hàng ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ đến một số loại hàng hoá khác rẻ hơn nhiều nước. Với lượng khách đến du lịch, nghỉ dưỡng đạt được như 6 tháng thì khả năng năm 2012 có thể đạt khoảng 4 triệu lượt người, cao hơn mức kỷ lục 3,65 triệu lượt người vào năm trước.
Lượng khách đến Việt Nam vì các mục đích khác (ngoài các mục đích trên, như học tập, chữa bệnh…) tăng 7,3% và chiếm trên 5,5%. Tuy tăng thấp nhất, nhưng quy mô vẫn ở mức khá cao và với tiến độ này cả năm có thể đạt gần 400.000 lượt người, thuộc loại cao so với các năm từ trước tới nay.
Kết quả trên đạt được càng có ý nghĩa trong điều kiện người dân ở các khu vực trên thế giới còn phải thắt lưng buộc bụng do khủng hoảng nợ công, kinh tế phục hồi chậm, thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao.
Tuy đạt được tốc độ tăng cao, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính trên 100 dân vẫn còn thấp so với rất nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Bình quân 100 dân của Việt Nam mới có khoảng 7- 8 lượt khách đến, trong khi một số nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến bằng hoặc lớn hơn, thậm chí còn cao gấp đôi số dân trong nước của chủ nhà. Do vậy, Việt Nam còn cần phải cải thiện hơn nữa cả về mặt pháp lý, cả về mặt bảo vệ, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, phát huy ưu điểm, hạn chế những bất cập trong quản lý, điều hành… để thu hút khách đến đông hơn, đến nhiều lần hơn.