Chùa Trăm Gian sẽ được phục hồi theo cấu kiện nguyên trạng

09:52, 31/08/2012

Chiều 30/8, đã diễn ra cuộc họp báo về việc vi phạm trong tu bổ, tôn tạo nhà tổ và gác khánh di tích chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Trong buổi họp báo, có sự tham dự của các cán bộ quản lý thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng các các cán bộ quản lý của UBND huyện Chương Mỹ về vấn đề này.

 Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh sự việc, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng về kiểm tra trực tiếp tại di tích chùa Trăm Gian, cùng về kiểm tra có thanh tra của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, UBND xã Tiên Phương và sư thầy Thích Đàm Khoa – trụ trì của chùa. Kết quả kiểm tra cho thấy tại chùa chỉ có hai hạng mục bị hạ giải là gác Khánh và nhà Tổ, chứ không phải là toàn bộ di tích chùa như báo Lao Động đã đưa tin. Ông Long cũng khẳng định, cả di tích chùa không phải bị dỡ bỏ hoàn toàn mà là bị xâm phạm.

 

Tuy nhiên, quá trình hạ giải, dỡ bỏ tại chùa Trăm Gian lại vi phạm vào việc thực hiện quy định của Chính Phủ trong việc tu bổ, hạ giải di tích. Sư trụ trì Thích Đàm Khoa đã đưa ra đề nghị tu bổ, hạ giải chùa tại UBND xã Tiên Phương, nhưng điều đáng nói là việc thực hiện đã diễn ra mà không có một văn bản báo cáo cụ thể nào lên các cơ sở quản lý cấp trên.

 

Được biết, vào năm 2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có Quyết định số 162/QĐ-KHĐT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Trăm Gian, và giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư Dự án. Đến năm 2011, trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của di tích chùa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đề xuất với UBND Thành phố cho phép hạ giải ngay hạng mục, trong đó có hạng mục nhà Tổ, đồng thời bố trí kinh phí để thực hiện Dự án ngay trong năm đó. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính Phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” trước tình hình kinh tế khó khăn, UBND Thành phố chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư cho Dự án để tôn tạo di tích.

 

Trong khi đó, các hạng mục vẫn tiếp tục xuống cấp, đặc biệt trong mùa mưa bão. Vì thế, việc cơ quan quản lý địa phương để nhà chùa tự ý hạ giải di tích là việc làm sai nguyên tắc, vi phạm vào Luật Di sản Văn hóa cùng các quy định hiện hành. Thậm chí, có thông tin cho biết trong quá trình bắt tay vào hạ giải, còn có sự vận động, kêu gọi người dân để dỡ bỏ, sửa sang lại di tích. Rõ ràng vấn đề ở đây không đơn thuần chỉ do sự quản lý lỏng lẻo hay thiếu chỉ đạo cụ thể của các cơ quan quản lý mà còn do sự nhận thức kém trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

 

Tại buổi họp báo chiều 30/8, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng khẳng định di tích chùa sẽ cố gắng được phục hồi theo nguyên trạng một cách tốt nhất. Mặc dù vậy, ông Long cho biết khả năng phục hồi cao hoàn toàn theo nguyên trạng ban đầu là điều không thể. Nhưng nhà Tổ và gác Khánh cùng bậc cấp sân trước tiền đường sẽ được “tái tạo” trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận. Bản hồ sơ thiết kế thi công, thậm chí còn kèm theo bản hồ sơ cấu trúc di tích chùa từ thời Pháp thuộc cùng với một số cấu kiện còn lại của di tích sau khi bị tự ý hạ giải sẽ được giữ lại làm cơ sở khoa học cho việc phục hồi gần với nguyên trạng nhất.

 

Theo đó, ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch xã Tiên Phương, đồng thời cũng là Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian sẽ bị đình chỉ chức vụ cùng các cá nhân như Chủ tịch UBND xã, Thanh tra xây dựng của xã, tập thể UBND xã Tiên Phương bị kiểm điểm trách nhiệm.

 

Các kiến nghị đề xuất những giải pháp mới về việc phân cấp quản lý các di tích lịch sử văn hóa cho phù hợp với thực tế cũng sẽ được đưa ra, và sẽ có một số thay đổi nhất định trong vấn đề này nhằm đảm bảo việc bảo tồn, trùng tu di sản một cách hiệu quả nhất./.