Nỗi niềm Ca Huế sông Hương

08:32, 04/08/2012

Kiểu cách, sang trọng nhưng không hẳn là nhạc cung đình. Gần gũi, quen thuộc, nhưng không hoàn toàn là nhạc dân gian. Nằm giữa hai tầng âm hưởng ấy, Ca Huế - thể loại nhạc đặc biệt có tên gọi gắn liền với địa danh sinh ra nó, đã trải qua hơn 200 năm tồn tại và phát triển để trở thành loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng của xứ Huế.

Chúng tôi đến cố đô đúng vào dịp Festival Huế 2012 vừa kết thúc, Huế lại trở về với nhịp sống chầm chậm, yên ả vốn có của mình. Ðón làn gió đêm mát rượi đưa lên từ dòng Hương Giang thơ mộng, chúng tôi thả bộ dọc cầu Trường Tiền để tới Bến tòa Khâm, đặt chân lên mạn thuyền rồng, đi tìm nét quyến rũ riêng của Huế qua những làn điệu sông trăng. Trên khoảnh sàn tàu rộng chừng 15 m2 với gần 30 chiếc ghế nhựa được kê sẵn, ai nấy đều nhanh chóng ổn định chỗ ngồi chờ "thưởng nguyệt khai ca". Giờ diễn gần đến, tàu bắt đầu nhẹ nhàng rời bến. Phóng tầm mắt ra sông nước mênh mang, bỗng thấy toàn thân nhẹ bẫng, cảm giác như những con tàu rực sáng đang bay lơ đãng trên sông nước lung linh. Ấy cũng là lúc năm tà áo dài Huế tha thướt xuất hiện, đưa người nghe dạt theo những điệu bắc, điệu nam đặc trưng của đất cố đô. Giọng ca ngọt ngào, dễ thương của những cô gái Huế quyện theo thanh âm réo rắt, ngân nga của đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, xênh tiền, sáo, phách... khi mang đến những tiết tấu vui tươi, rộn ràng của những nhạc khúc: Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ; khi mang đến giai điệu thính phòng trang trọng, uy nghiêm của Long Ngâm, Tứ Ðại cảnh...

 

Ðêm càng về khuya, ánh trăng càng sáng tỏ, âm hưởng của điệu Tương tư khúc, của tiếng Nam Ai, Nam Bình càng vang lên da diết, trữ tình, man mác nỗi buồn thương. Giữa một bầu trời, mây và sông nước bồng bềnh, lời hát ngân xa, bay bổng như kết nối những tâm hồn đồng điệu, tạo nên sự hòa nhịp diệu huyền giữa âm nhạc, con người và thiên nhiên. Ðể rồi trong phút vãn hồi, giai điệu khoan nhặt, dặt dìu đậm chất dân ca của những điệu Hò mái nhì, mái đẩy, Hò giã gạo... càng khiến cõi lòng ai trở nên lưu luyến. Thật kỳ lạ, những khúc ca quen thuộc ấy, chúng tôi đã được nghe nhiều ca sĩ tài danh thể hiện, vậy mà sao cảm xúc lạ thường vẫn trào lên khi nghe lại trên sông nước mênh mông. Phải chăng, chỉ người cố đô mới thấu được hết cái "tình cố đô" trong lời ca tiếng hát?

 

Trong lúc chờ tàu trở về nơi cập bến, chúng tôi tranh thủ bắt chuyện cùng Thu Sương, cô gái trưởng nhóm ca Huế trên tàu đêm ấy. Giọng nói ngọt lịm vừa cất lên đã cuốn hút người nghe. Cô say sưa kể về sự đa dạng của hơn 80 làn điệu Huế cho những du khách "ngoại đạo" như chúng tôi nghe. Nếu Nhã nhạc cung đình có hơn mười bài bản liên khúc để hòa tấu, dân ca có hơn 25 điệu hò, 19 điệu lý thì Ca Huế có tới hơn 24 bài bản của các điệu bắc, điệu nam. Thế mới biết, chỉ riêng Huế thôi cũng đã làm nên những dấu ấn đáng nhớ về sự giàu có, phong phú của nền âm nhạc dân tộc. Trong đoàn Ca Huế của Thu Sương, có người đã qua đào tạo tại Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, có người được truyền nghề từ những nghệ nhân Ca Huế lâu năm.

 

Người coi Ca Huế là nghề kiếm sống, người coi là nghề tay trái, nhưng họ đều gặp nhau ở tình yêu, sự gắn bó với những âm điệu Ca Huế trên sông Hương. Khi được hỏi về mức thù lao sau một đêm diễn kéo dài một tiếng rưỡi với tám đến mười tiết mục, giọng cô gái trẻ bỗng chùng xuống, thoáng buồn: "Chị em chúng tôi, từ nhạc công đến ca sĩ, mỗi người đều nhận được 50 nghìn đồng cho một sô diễn. Nhưng đâu dám đòi hỏi nhiều hơn, bởi ngoài chi phí cho nhạc công, ca sĩ, bên tổ chức biểu diễn còn phải trả phí suất diễn, phí giữ xe, phí xuất bến, xăng dầu...". Thu nhập thấp như vậy, nhưng theo Thu Sương: "Ðã theo nghiệp ca này thì khó dứt lòng bỏ nghề lắm vì em và nhiều bạn nghề khác đã quá trót đam mê với Ca Huế mất rồi".

 

Trong đoàn Ca Huế đêm ấy, tôi còn bị thu hút bởi tiếng đàn điêu luyện của một nhạc công đàn tranh đã gần bước sang tuổi lục tuần. Hỏi ra mới biết, ấy là nghệ nhân Lệ Hoa, người đã từng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế và gắn bó suốt gần 30 năm cùng Ca Huế trên dòng Hương Giang. Bằng sự từng trải của một người phụ nữ đã có nửa đời người sống cùng những giai điệu nghệ thuật này, bà trầm tư kể cho chúng tôi nghe về Ca Huế một thời: Ca Huế là dòng nhạc sang và kén người nghe nên trước đây Ca Huế chỉ dành riêng cho những trí thức, những tao nhân yêu và hiểu loại hình âm nhạc này. Ði tìm sự đồng điệu giữa những tri âm tri kỷ, người ta hay tự tìm đến với các ca sĩ, nhạc công mình mến mộ rồi bao nguyên một thuyền để lênh đênh "ngủ đò" trên sông Hương, vừa để thưởng thức những giai điệu Ca Huế, vừa để tìm sự thanh thản, sẻ chia trong tâm hồn.

 

Thời ấy, những nghệ nhân Ca Huế được trân trọng tới mức, nhiều khách không tiếc chi gấp ba, bốn lần mức thỏa thuận ban đầu khi họ được hội ngộ những người tri kỷ, lĩnh hội trọn vẹn một chương trình nghệ thuật theo ý muốn. Tuy nhiên, một thời gian sau, khái niệm "ngủ đò" đã bị hiểu sai đi vì một số trường hợp lợi dụng hình thức Ca Huế trên đò sông Hương cho những mục đích phi nghệ thuật. Những người thật sự yêu và hiểu Ca Huế tìm đến những "cô đầu" trên sông Hương từ đó cũng ngày một ít. Còn ngày nay, khi Ca Huế đã trở thành một sản phẩm phục vụ thương mại du lịch, người đến nghe Ca Huế nhiều hơn nhưng chẳng mấy ai hiểu được về Ca Huế. Ðể chiều lòng đại chúng, để Ca Huế dễ nghe hơn đối với số đông người nghe, những giai điệu Ca Huế đã giảm nhẹ chất thính phòng, những chương trình Ca Huế đã thêm vào nhiều bài nhạc mới.

 

Các nghệ nhân cao tuổi giờ cũng ít mặn mà với Ca Huế trên sông Hương, một phần bởi tuổi đã cao, một phần vì họ khó tìm thấy sự đồng điệu tri âm, và một phần vì khả năng thể hiện Ca Huế đã ở mức điêu luyện của họ cũng chỉ được nhìn nhận và đãi ngộ ngang bằng như bao ca sĩ trẻ mới vào nghề... Nói tới đây, người nghệ nhân đưa mắt ra sông nước mênh mang nhìn vào khoảng không vô định, như đang hoài niệm về một thời son trẻ bên khúc Ca Huế năm nào.

 

Mang theo những trăn trở về một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo đang còn gặp nhiều khó khăn trên hành trình bảo tồn và phát triển, chúng tôi tìm đến Trung tâm Quản lý tổ chức biểu diễn Ca Huế (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế), đơn vị được thành lập từ năm 2007 với chức năng chuyên trách: quản lý, chấn chỉnh hoạt động Ca Huế, cấp phép biểu diễn, tuyên truyền quảng bá... Tiếp chuyện chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tấn Thưởng cho biết: "Hiện nay, các chương trình Ca Huế thường xuất hiện trong các sự kiện của tỉnh, được trình bày trong các bữa cơm vua hay những đám cưới cung đình ở nhà hàng, khách sạn... nhưng đông đảo và phổ biến nhất vẫn là hình thức nghe Ca Huế trên sông Hương.

 

Hiện Trung tâm đang quản lý 457 ca sĩ, nhạc công, trong đó, 232 ca sĩ đều trẻ tuổi, còn 225 nhạc công phần nhiều đã lớn tuổi; hơn 300 người sinh hoạt tự do, còn lại là các ca sĩ, nhạc công của Nhà hát Cung đình Huế và Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế". Giám đốc Nguyễn Tấn Thưởng cho biết thêm, những người hoạt động Ca Huế trên sông Hương đã được cấp giấy phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Hội đồng thẩm định nghệ thuật công nhận về trình độ, năng lực biểu diễn Ca Huế sau quá trình học tập, tham gia tập huấn. Trung tâm quản lý việc biểu diễn Ca Huế thông qua các suất diễn, với mức thù lao cho các ca sĩ, nhạc công là 50 nghìn đồng/người/buổi".

 

Thiết nghĩ, để tham gia một buổi diễn, chưa nói đến công sức nghệ thuật bỏ ra, những người biểu diễn còn phải lo chuyện quần áo, trang điểm, xăng xe đi lại. Do đó, mức thu nhập có phần "khiêm tốn" này khiến chúng tôi không khỏi nghi ngại có đủ bảo đảm cho các diễn viên, nhạc công theo được với nghề. Hơn nữa, sự cào bằng thù lao giữa các ca sĩ, nhạc công không phân biệt trình độ cũng là nguyên nhân khiến những người biết thực trạng này càng băn khoăn về chất lượng của một buổi diễn Ca Huế. Người thể hiện liệu có dốc toàn bộ nhiệt huyết để trình bày khi mà họ biết dù là hay hay dở, họ cũng sẽ nhận được mức thù lao đã "đóng đinh"? Âu đó cũng là lý do giải thích tại sao những nghệ nhân Ca Huế tên tuổi đã chẳng mấy ai còn đủ nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến tài năng cùng những giai điệu Ca Huế trên dòng Hương Giang.

 

Nói về công tác quản lý các hoạt động Ca Huế trên sông Hương, Giám đốc Nguyễn Tấn Thưởng cho biết trên thực tế, Trung tâm chỉ đứng ra quản lý diễn viên, chất lượng buổi diễn, còn quản lý an ninh thuộc về chính quyền địa phương, lệnh xuất bến thuộc về ban quản lý bến thuyền, việc đăng kiểm thuộc trách nhiệm Sở Giao thông vận tải, quản lý an toàn lưu thông thuộc về quyền hạn cảnh sát giao thông đường thủy... Vì thế, để quản lý hoạt động Ca Huế yêu cầu sự phối kết hợp của nhiều đơn vị liên quan. Ðó là chưa kể, 120 thuyền trên sông thuộc về quyền sở hữu của 12 doanh nghiệp và một hợp tác xã, trong đó biểu diễn Ca Huế chỉ là một trong những lĩnh vực kinh doanh của họ. Do đó, mặc dù đã có quy định về số lượng người cho phép lên thuyền nghe Ca Huế và quy định về mức giá nghe Ca Huế (40 nghìn đồng/người), nhưng các chủ thuyền vẫn chở quá số khách quy định, hoặc móc ngoặc với các cơ sở lưu trú, các "cò" mồi, ta-xi, xích lô,... để chèo kéo, ép giá du khách, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hình ảnh biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. Trước vấn nạn này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến thành lập một tổ liên ngành bao gồm các lực lượng: công an, thanh tra thuế, thanh tra văn hóa, thanh tra giao thông... để nhanh chóng phối hợp kiểm tra thường xuyên, liên tục hoạt động Ca Huế trên sông Hương và có chế tài xử phạt kiên quyết, mạnh mẽ tùy theo từng mức độ vi phạm...