Hôm nay (15 tháng 7 âm lịch), ngày rằm tháng bảy hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày này không khí cho lễ Vu Lan đang tràn ngập mọi nhà, mọi ngôi chùa. Lễ Vu Lan không những nhắc nhở việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn.
Mở mạng tìm đọc, có cả trăm nghìn bài viết về ngày này. Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta nhưng để có cha mẹ thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.
Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành thì của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...
Đạo Phật răn rạy là thế và lý thuyết cũng là thế. Vẫn biết Vu lan là dịp để những đứa con may mắn được sinh ra trên cõi đời báo hiếu những bậc sinh thành. Nhưng tôi cứ nghĩ miên man, việc báo hiếu vốn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam và điều đó phải được thực hiện thường xuyên liên tục trong cuộc sống hàng ngày chứ đâu chỉ đợi đến mùa báo hiếu. Hành động hiếu nghĩa của mỗi đứa con chính là sự chăm ngoan, học giỏi, lễ phép với cha mẹ ông bà. Hành động hiếu nghĩa là sự chăm sóc cha mẹ khi ốm đau trái gió trở trời, là sự quan tâm chia sẻ khi cha mẹ bước vào tuổi xế chiều. Đành rằng, khi bóng già khuất núi việc thực hiện các nghi lễ là điều đáng làm, nhưng đáng làm hơn là những hành động khi cha mẹ, ông bà còn sống, để sau nay không phải nói hai tiếng giá như…
Vu Lan - mùa báo hiếu! Hãy coi đây là dịp để nhân lên lòng hiếu nghĩa, là dịp để mỗi đứa con tự soi rọi vào chính tâm hồn mình về những tháng ngày qua đã làm gì cho cha mẹ yên lòng, là dịp để tiếp tục thực hiện truyền thống tốt đẹp chứ không phải là dịp để bắt đầu.